Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã xác định việc thực
hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những vấn đề cơ bản, bức xúc của việc
đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trong
giai đoạn hiện nay. Theo tinh thần đó, việc tiếp tục hoàn thiện quy chế và chỉ
đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là giải pháp cơ bản, chủ đạo, xuyên suốt
trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của
toàn bộ hệ thống đối với việc xây dựng nông thôn mới ở Nam Định hiện nay.
Thực hiện quy chế dân chủ có ý nghĩa rất quan trọng
trong đời sống xã hội, nó mở ra những khả năng tích cực để thực hiện dân chủ.
Song, để quy chế dân chủ đi vào cuộc sống, nhất là ở nông thôn, nó phải vượt
qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi lẽ, việc thực hiện quy chế dân chủ phụ
thuộc vào hàng loạt các điều kiện như: Sự chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng
toàn dân; sự nỗ lực của chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể xã
hội; trình độ học vấn và sự hiểu biết pháp luật của quần chúng nói chung; những
điều kiện về cơ sở vật chất cho việc triển khai quy chế đó trong thực tế, nhất
là đảm bảo về thông tin, xử lý thông tin; phụ thuộc vào những chế tài ràng buộc
để việc thực hiện đó được nghiêm chỉnh, không bị những biến dạng lệch lạc hoặc
sự kìm hãm, cản trở; đồng thời nó còn phụ thuộc vào sự hoàn thiện của bản thân
quy chế, xét về mặt văn bản của nó. Cùng với nó là cách thức tổ chức thực hiện,
phương pháp điều hành từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để việc thực hiện
quy chế mang tính thực chất chứ không rơi vào hình thức.
Do đó, để thực hiện quy chế dân chủ nhằm tạo động lực
đổi mới hệ thống chính trị cơ sở ở Nam Định nói riêng và trong cả nước nói
chung góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông
nghiệp, nông thôn trong thời gian tới cần chú ý những biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất,
các quy định về những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cả về nội
dung và phương thức thực hiện cần tập trung nhiều hơn, cụ thể và rõ ràng hơn
vào nội dung kinh tế, vào vấn đề xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đây là
điều mà dân quan tâm nhất, nhất là bằng cách nào để dân có thể kiểm tra, giám
sát những hoạt động kinh tế mà chính quyền thực hiện theo chức năng quản lý.
Những vấn đề về công khai thu chi ngân sách, về những khoản đóng góp của dân,
về đầu tư hỗ trợ phát triển của Nhà nước qua các chương trình dự án phải được
làm sáng tỏ, minh bạch cho dân được biết. Thực hiện tốt dân chủ trên lĩnh vực
kinh tế sẽ tạo ra những tiền đề bảo đảm cho dân thực hiện tốt dân chủ trong
chính trị, văn hóa… Qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa
bàn tỉnh Nam
Định nói riêng, cả nước nói chung.
Mối quan hệ giữa dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra cần phải thực hiện một cách hợp lý, thiết thực trong thực tiễn, đảm bảo lợi
ích và quyền làm chủ của quần chúng. Cần tạo điều kiện cho dân được tự quyết
định, dân thực hiện vai trò, thẩm quyền của mình trong kiểm tra việc triển khai
các chương trình, dự án, thu chi ngân sách của địa phương trong việc xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn từng cơ sở.
Thứ hai,
bổ sung và cụ thể hóa các chế tài là điểm cần làm nhất trong việc sửa đổi, hoàn
thiện quy chế, góp phần hoàn thiện quy chế dân chủ một thực tế hiện nay. Có thể
thấy là quy chế dân chủ chưa có những chế tài cần thiết để ràng buộc trách
nhiệm các chủ thể phải thực hiện và quy định mọi hành động phải phù hợp với
luật pháp. Những chủ thể đó bao gồm: cán bộ có chức có quyền trong bộ máy, cán
bộ thực thi công vụ theo chức trách chuyên môn, tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản
lý điều hành và tất cả dân chúng. Do không có những chế tài cụ thể này nên việc
thực hiện quy chế lại phụ thuộc vào tình hình, môi trường của từng cơ sở, vào
động cơ, thái độ của những người lãnh đạo, vào sự quan tâm của quần chúng và dư
luận xã hội. Nơi có phong trào tốt, cán bộ công tâm, tổ chức trong sạch và đoàn
kết, dân cư có hiểu biết thấu đáo tình hình và có ý thức xây dựng thì ở nơi đó
việc triển khai thực hiện quy chế có kết quả tốt. Ngược lại, ở những nơi yếu
kém, đang xảy ra tham ô, tham nhũng, nội bộ tổ chức đang rệu rã, mất đoàn kết,
vi phạm dân chủ thì việc triển khai quy chế thường chỉ làm chiếu lệ, do sức ép
xã hội mà phải làm và lảng tránh những chất vấn, đòi hỏi bức xúc của dân.
Vì vậy, bổ sung và cụ thể hóa các chế tài là điểm cần
làm nhất trong việc sửa đổi, hoàn thiện quy chế, góp phần hoàn thiện quy chế
dân chủ.
Thứ ba,
cần phải xử lý công khai, nghiêm túc những trường hợp vi phạm, tuyệt đối không
được có ngoại lệ nào với những sự bao che, ô dù, phe cánh… để đảm bảo tính
nghiêm minh của pháp luật, qua đó tạo lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của
Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cần phải có những đảm bảo vật chất cần thiết cho
việc thực hiện quy chế như có các phương tiện phát thanh, tuyên truyền, phổ
biến thường xuyên hàng ngày về quy chế cho dân hiểu dần, thấm dần, dân nắm vững
để thực hiện. Muốn vậy cần phải đầu tư các trang thiết bị cho các trạm truyền
thanh của xã, của thôn xóm; cần đầu tư kinh phí để xây dựng các nhà văn hóa,
hội trường làm nơi hội họp, phổ biến, tiếp dân. Đối với một số địa phương hiện
nay vẫn còn tồn tại hương ước, lệ làng… thì cần chú trọng kiểm tra tính hợp
pháp của hương ước, chỉ đạo nhân dân vừa thực hiện hương ước vừa thực hiện quy
chế dân chủ và pháp luật của Nhà nước để phát huy được quyền dân chủ trực tiếp
của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.
Để phát huy dân chủ trong xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định, cần thực hiện đồng bộ các
giải pháp nêu trên. Một khi dân chủ được phổ biến và thực hiện sâu rộng sẽ tạo
điều kiện thuận lợi cho toàn thể nhân dân được phát huy vai trò của mình, được
làm chủ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm chủ quá trình xây dựng nông
thôn mới ở mỗi địa phương và được hưởng những thành quả do chính mình xây dựng.
Điều đó thúc đẩy họ tích cực học tập, lao động và cống hiến. Qua đó có thể huy
động được tổng thể các nguồn lực trong toàn thể quần chúng nhân dân để xây dựng
thành công nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước./. |