Chất lượng giảng dạy là vấn đề
trọng tâm, luôn được trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định chú trọng nâng cao. Chính
vì vậy, nhà trường đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp
ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức,
viên chức cho tỉnh nhà.
Một trong những hoạt động quan
trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy là nhà trường đã thực hiện theo Hướng dẫn số 09/HD-HVCTQG ngày
23 tháng 01 năm 2015 về việc lấy phiếu phản hồi từ người học của Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Đây là một kênh thông tin rất quan trọng để đánh giá chất lượng giảng
dạy của đội ngũ giảng viên. Kết quả phiếu sẽ phần nào đánh giá thực trạng chất
lượng đội ngũ giảng viên, góp phần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư
phạm và nâng cao chất lượng của bài giảng, tăng cường trách nhiệm của học viên
trong việc thực hiện các quy chế đào tạo, tạo điều kiện để học viên phản ánh
chính kiến của mình, nâng cao ý thức, thái độ và chất lượng học tập, nghiên cứu
của học viên. Những ý kiến đóng góp của học viên thông qua phiếu phản hồi sau
mỗi buổi học sẽ có vai trọng rất quan trọng để đội ngũ giảng viên tự hoàn thiện
mình. Mặt khác, học viên sẽ thể hiện được những tâm tư, nguyện vọng của mình
tới giảng viên. Thông qua kết quả tổng hợp phiếu, giảng viên sẽ biết mình còn
thiếu gì, cần bổ sung gì để nâng cao chất lượng bài giảng, giúp cho giảng viên
tự tin và chủ động hơn trong bài giảng của mình, làm cho bài giảng sinh động,
có sức sống, lôi cuốn học viên.
Mặt khác, hoạt động này còn cung cấp thông tin về đội ngũ giảng viên, giúp
Ban Giám đốc nhà trường có định hướng cụ thể hơn trong việc đổi mới phương thức
quản lý, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên không chỉ giỏi
về chuyên môn mà còn trong sáng về đạo đức, chuẩn mực về lối sống, góp phần tạo
động lực thúc đẩy phong trào thi đua của nhà trường, để nhà trường khẳng định
được vị thế của mình trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước nói chung
và trong cụm thi đua nói riêng.
Với ý nghĩa quan trọng đó, nhà
trường đã thực hiện lấy phiếu phản hồi từ người học một cách thường xuyên, nghiêm
túc và đã đạt được những kết quả nhất định: chất lượng các bài giảng đã được
cải thiện, thực sự thu hút, lôi cuốn học viên; năng lực, tác phong giảng viên
ngày càng chuyên nghiệp. Nhờ đó, Ban Giám đốc có thêm căn cứ để chọn lọc những
giảng viên ưu tú tham gia các kỳ thi giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, cấp học
viện…
Bên cạnh những kết quả đạt
được, trong thời gian qua hoạt động lấy phiếu phản hồi từ người học còn tồn tại
một số vấn đề như:
Về mẫu phiếu: tiêu chí thang
đánh giá chưa thật rõ ràng giữa điểm 3 - “hài lòng” và điểm 4 - “khá hài lòng”;
nội dung đánh giá đôi chỗ dài dòng (có thể gộp vào và diễn đạt thành một tiêu
chí: như ở phần III, mục 3 - mức độ tích
cực, chủ động và sự hứng khởi học tập của học viên đối với bài giảng, mục 4 -
mức độ hài lòng của học viên với bài giảng và mục 5 - mong muốn tiếp tục được
nghe các bài giảng khác của giảng viên trong tương lai). Mặt khác, đối tượng
học viên rất đa dạng, họ có trình độ khác nhau, công tác ở nhiều ngành nghề,
lĩnh vực, môi trường khác nhau, nên việc đánh giá chất lượng bài giảng thông
qua các tiêu chí trong phiếu giữa các giảng viên cũng mang tính tương đối.
Về cách thức lấy phiếu: năm
2015, nhà trường thực hiện lấy phiếu theo kiểu cuốn chiếu - giảng viên có lịch
giảng dạy hôm nào thì lấy phiếu luôn trong ngày hôm đó, điều này đáp ứng được
tính cập nhật, tức thời nhưng lại bất cập, rườm rà trong khâu đi lấy phiếu của
người được phân công đi lấy phiếu. Mặt khác, theo quy định của Học viện, mỗi
giảng viên phải được lấy phiếu ít nhất 02 lần/năm học, nhưng theo tình hình
thực tế trong những năm qua, nhà trường mở được nhiều lớp, với số lượng học
viên mỗi lớp tương đối đông thì số lượng phiếu phát ra là khá lớn, nên việc xử
lý kết quả phiếu còn gặp đôi chút khó khăn.
Về việc triển khai, tổng hợp kết
quả phiếu: Hoạt động này thường diễn ra vào cuối năm, điều này chưa mang tính
kịp thời và cập nhật, dẫn đến tình trạng những hạn chế trong bài giảng thể hiện
trên phiếu chưa được khắc phục và xử lý kịp thời.
Trước những bất cập nêu trên,
để nâng cao chất lượng hoạt động lấy phiếu phản hồi của học viên đối với giảng
viên hiện nay tại trường Chính trị Trường Chinh, tôi xin được trao đổi vài vấn
đề như sau:
Thứ nhất, về mẫu phiếu phản
hồi: Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu có thể tham mưu với Ban Giám
đốc để gộp vào và diễn đạt lại một số nội dung đánh giá ghi trong mẫu phiếu cho
ngắn gọn và khoa học hơn, để học viên đánh giá dễ dàng và nhanh chóng hơn; ngoài
ra, có thể lược bớt yêu cầu về việc điền thông tin cá nhân trong phiếu (về giới
tính, chuyên môn được đào tạo) - đặc biệt, với các lớp mở tại trường, vì nếu
điền đầy đủ hết các thông tin là có thể biết rõ danh tính của nhiều học viên.
Điều này không thực sự cần thiết, lại có thể gây ra tâm lý e ngại cho học viên,
quan trọng hơn là dẫn đến ý kiến đưa ra chưa thật chính xác, làm ảnh hưởng đến
công tác thu thập, đánh giá thông tin. Do đó, nếu không nhận được những thông
tin xác thực thì phiếu đánh giá không còn ý nghĩa, thậm chí là phản tác dụng
(vì có thể sẽ có xu hướng đánh giá tốt cho các giảng viên mà không hề cân nhắc
đắn đo theo đúng tình hình thực tế).
Thứ hai, về cách thức lấy
phiếu: có thể lấy 1-2 lần/giảng viên/năm, căn cứ vào tình hình mở lớp của nhà
trường và số lượng học viên/lớp để tránh dài trải, tốn kém; nên phát phiếu cho
học viên sau khi kết thúc buổi học, hoặc kết thúc môn học mà giảng viên đó phụ
trách vì nếu phát phiếu vào đầu hay giữa buổi học (môn học) thì học viên chưa
có nhiều thời gian suy nghĩ, cảm nhận dẫn đến khó có thể đánh giá chính xác
được chất lượng bài giảng, mặt khác làm ảnh hưởng đến thời lượng tiết giảng; ngược
lại, nếu lấy phiếu quá xa thời gian của bài giảng (lấy vào hôm khác, khi đã
chuyển sang bài giảng của người khác) thì rất có thể học viên sẽ không nhớ
chính xác, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá. Nếu nhà trường tiếp tục thực hiện
lấy phiếu như năm 2016 - lấy phiếu của nhiều giảng viên cùng một lúc (đối với
các lớp mở tại huyện) thì nên lấy phiếu vào các ngày giảng viên có lịch giảng thật
sát gần nhau và người đi lấy phiếu cần phối hợp với giảng viên chốt lại sĩ số
sau mỗi buổi học, tránh tình trạng có học viên vắng buổi học ngày hôm trước
nhưng vẫn phát phiếu đánh giá. Số lượng phiếu phát ra phải dựa trên số lượng
học viên có mặt trên lớp chứ không thể theo sĩ số, có như vậy thì những thông
tin học viên cung cấp mới chính xác và khách quan. Đồng thời, nên có quy định
về thời gian để học viên ghi phiếu và thời gian nộp phiếu (có thể nộp vào tiết
học ngày hôm sau để học viên có thời gian suy nghĩ để đánh giá chính xác hơn, tránh
tình trạng vì vội mà học viên đánh giá qua loa, lấy lệ).
Thứ ba, về việc tổng hợp, xử
lý và triển khai kết quả phiếu: cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời để gửi
về Ban Giám đốc, sau đó Ban Giám đốc sẽ giao cho lãnh đạo khoa phụ trách chuyên
môn triển khai cụ thể, chi tiết về kết quả tổng hợp phiếu cho các giảng viên định
kỳ theo tháng (hoặc theo quý), để giảng viên có thể kịp thời phát huy những
điểm tích cực, khắc phục những mặt hạn chế cho những tiết giảng sau, tránh tình
trạng việc xử lý, tổng hợp và triển khai kết quả phiếu chậm trễ, ảnh hưởng đến
chất lượng giảng dạy.
Trên đây là những trao đổi về
việc lấy phiếu phản hồi từ người học, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy của
giảng viên, góp phần tạo nên thương hiệu của trường Chính trị Trường Chinh
trong lòng người học./.
|