ThS. Cao Thị Hà Phó trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật
Khoa Nhà nước - Pháp
luật là khoa chuyên môn tham gia giảng dạy tất cả các chương trình đào tạo hiện
nay của Nhà trường. Trong đó phải kể đến chương trình đào tạo Trung cấp lý luận
chính trị - hành chính và chương trình Trung cấp Pháp luật. Trong các chương
trình này, Khoa được Nhà trường phân công giảng dạy những chuyên đề liên quan
đến lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật. Đây là những kiến thức lý luận
thường được đánh giá là khô khan, nhiều khái niệm chuyên môn khó hiểu. Hầu hết
các bài học đều mang tính lý luận và trừu tượng dựa trên quan điểm của chủ
nghĩa duy vật biện chứng. Điều này đòi hỏi người học phải có tư duy khoa học và
phương pháp nhận thức đúng đắn để tiếp cận, phân tích, đánh giá, tổng hợp mới
lĩnh hội được. Mặc dù đối tượng học viên hiện nay của nhà trường đa dạng về độ
tuổi, lĩnh vực công tác; trình độ, kinh nghiệm, vốn sống được nâng cao nhưng để
tiếp cận và hiểu kỹ càng về các vấn đề lý luận pháp lý không phải là vấn đề đơn
giản. Thực tế đòi hỏi học viên còn phải biến kiến
thức từ giáo trình và của giảng viên trở thành kiến thức của mình, biến cách
học thụ động, im lặng, nghe giảng, ghi chép và độc thoại từ phía giảng viên
thành cách học chủ động, tự giác. Những kiến thức được cung cấp bước đầu định
hướng chuyên sâu và rèn luyện kỹ năng quản lý. Khi kết thúc khóa học, học viên
có thể giải quyết được các vấn đề ở cơ sở đặt ra trong lĩnh vực luật pháp.
Để đạt
được mục đích đó, cùng với việc áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực,
việc đưa các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống vào các bài học cũng như
các bài kiểm tra hết môn là một vấn đề cần được quan tâm. Nó được coi như một phương pháp đặc thù trong giảng dạy nói chung đặc
biệt là giảng dạy lý luận tại các trường Chính trị cấp tỉnh.
Trắc nghiệm theo nghĩa rộng là một
hoạt động được thực hiện để đo lường năng lực của các đối tượng nhằm những mục
đích xác định. Trắc nghiệm trong giảng dạy ở Khoa là cách để đánh giá việc tiếp
nhận các nội dung kiến thức của học viên. Qua đó giảng viên nắm bắt tình hình
hiểu và áp dụng nội dung bài của học viên, kịp thời giảng giải kỹ hơn những nội
dung học viên còn lúng túng, chưa hiểu rõ. Tình
huống đưa ra trong giảng dạy lý luận pháp lý là toàn bộ các vụ việc, các quan
hệ pháp lý liên quan các ngành luật, yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền phải
giải quyết.
Để
xây dựng và áp dụng các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống, cần chú ý
một số kỹ năng.
Về kỹ năng xây dựng câu hỏi trắc
nghiệm và bài tập tình huống. Trước hết cần chọn nội dung để xây dựng. Trong từng bài
có nhiều nội dung, nhưng tập trung vào vấn đề chính, trọng tâm. Ví dụ trong bài
“Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, xác định trọng tâm bài là những
đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và các phương hướng xây dựng mô
hình nhà nước này trong giai đoạn hiện nay. Các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập
tình huống sẽ tập trung vào nội dung này.
Cách xây
dựng các câu hỏi trắc nghiệm. Có nhiều cách xây dựng câu hỏi khác nhau như xây dựng
câu hỏi trắc nghiệm Đúng/Sai,
câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi trắc nghiệm điền khuyết, câu hỏi
trắc nghiệm ghép đôi. Tuy nhiên, với đặc thù đối tượng học viên và nội
dung giảng dạy lý luận, nhất là giảng dạy lý luận về luật pháp, nên xây dựng
câu hỏi trắc nghiệm theo cách trắc nghiệm
Đúng/Sai tức là đưa ra một nhận định, học viên phải lựa chọn một trong
hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai và có yêu cầu giải thích. Việc giải
thích này để xác định câu trả lời là có cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, việc chọn
câu trả lời Đúng/Sai không phải cảm tính, ngẫu nhiên, may mắn.
Có thể sử
dụng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Với câu hỏi dạng này có hai phần, phần đầu
được gọi là phần dẫn, nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một
câu hỏi; phần sau là phương án để chọn, thường được đánh dấu bằng các chữ cái
A, B, C, D, …. hoặc các con số 1, 2, 3, 4, … Trong các phương án đã chọn chỉ có
duy nhất một phương án đúng hoặc một phương án đúng nhất còn các phương án khác
được đưa vào với tác dụng gây nhiễu. Do vậy khi các câu lựa chọn được chuẩn bị
tốt thì một người không có kiến thức chắc chắn về vấn đề đó sẽ không thể nhận
biết được trong tất cả các phương án đã chọn đâu là phương án đúng, đâu là
phương án nhiễu, chưa đúng.
Cách
xây dựng bài tập tình huống. Yêu cầu đối với tình huống đưa ra phải là tình
huống được mô tả sát thực tế, sát yêu cầu giải quyết và trong khả năng hiểu
biết để học viên với trình độ thực tế có thể giải quyết được. Các tình tiết đưa
ra phải lôgic, chặt chẽ. Các tình huống đưa ra phải
liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cán
bộ, công chức, thẩm quyền của chính quyền cơ sở. Ví dụ đối với bài tập tình huống liên
quan đến Luật đất đai trong môn học Những vấn đề cơ bản về NN&PL XHCN. Khi
xây dựng tình huống có thể mô tả các tình tiết tranh chấp đất đai vốn rất đa
dạng, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan nhưng yêu cầu giải quyết
tình huống ở đây phải gắn với thẩm quyền quản lý đất đai của chính quyền cơ sở.
Về kỹ năng áp dụng câu hỏi trắc
nghiệm và bài tập tình huống. Mỗi một môn học có cách giảng
khác nhau và trong mỗi môn học, mỗi bài, thậm chí từng phần cũng có yêu cầu
cách giảng khác nhau. Từng bài đều xác định rõ mục đích, yêu cầu và nội dung
trọng tâm. Việc đưa các câu hỏi trắc nghiệm hay bài tập tình huống nên đưa ngay
vào sau mỗi phần nội dung trọng tâm để đánh giá việc nhận thức vấn đề của nội
dung trọng tâm đó. Khi tiến hành cần dành khoảng thời gian nhất định cho học
viên nghiên cứu, thảo luận. Việc nghiên cứu các nội dung lý luận yêu cầu học
viên tự đọc trước khi lên lớp. Giảng viên cần hướng dẫn học viên cách phân tích
các tình tiết, tìm ra đặc thù các quan hệ được mô tả trong tình tiết để xác
định ngành luật điều chỉnh. Tiếp đến, cần xác định quy phạm pháp luật được vận
dụng để giải quyết. Trên cơ sở đó đưa ra các phương án giải quyết và lựa chọn
phương án tối ưu. Ở mỗi bước giải quyết các tình huống giảng viên cần gợi mở
vấn đề thông qua việc đặt các câu hỏi. Các câu hỏi đưa ra phải từ dễ đến khó, từ
những tình tiết riêng lẻ đến sâu chuỗi các tình tiết. Tất cả các học viên đều
có thể tham gia, phương án tối ưu được lựa chọn là thuyết phục.
Để
thực hiện các kỹ năng trên cần quan tâm một số vấn đề.
Một là, các giảng viên cần nắm chắc các vấn đề lý luận, am hiểu
thực tế. Theo đó yêu cầu giảng viên được xuống cơ sở, tham dự các phiên tòa,
các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân... Chỉ khi nắm chắc lý luận mới xây dựng
được bộ câu hỏi trắc nghiệm đòi hỏi sự tư duy tập trung mới trả lời được. Chỉ
khi trực tiếp quan sát hoặc tham gia vào các công việc liên quan đến cấp cơ sở
mới phát hiện vấn đề, phát hiện tình tiết để đưa vào tình huống, bảo đảm tính lôgic.
Hai là, giảng viên cần được cung
cấp và chủ động tiếp cận hệ thống tài liệu, cập nhật kịp thời những văn bản pháp
lý vốn thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, nhất là những hướng dẫn
chuyên môn của ngành, của tỉnh, trên các lĩnh vực, đặc biệt là áp dụng cho cấp
cơ sở. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để xây dựng câu hỏi trắc nghiệm và bài
tập tình huống gắn lý luận và sát thực tế cơ sở.
Ba là, đưa vào nội dung các Bộ
đề thi, kiểm tra các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống. Với cách ra đề này làm phong phú cách đánh giá chất
lượng học tập của học viên hiện nay. Đồng thời đây cũng là cách đánh giá sát thực
hơn chất lượng giảng dạy, học tập. Chỉ khi giảng viên hiểu và phân tích rõ vấn
đề, các học viên học tập chuyên cần, chú ý lắng nghe bài giảng mới giải thích
được câu hỏi, phân tích và tìm ra cách giải quyết của các bài tập tình huống.
Bốn là, học
viên bảo đảm có đủ tài liệu, giáo trình để nghiên cứu trước phần lý luận, giảng
viên có đủ điều kiện in ấn hoặc trình chiếu các câu hỏi trắc nghiệm và bài tập
tình huống, không mất thời gian đọc chép, nội dung câu hỏi và bài tập được hiển
thị đầy đủ, học viên chỉ tập trung vào việc phân tích nội dung.
Việc đưa câu hỏi trắc nghiệm
và bài tập tình huống vào giảng dạy trong Khoa thực sự là việc làm cần thiết. Nó
giúp phát huy tinh thần chủ động tư duy của học viên để nắm bắt kiến thức ngay
ở trên lớp, tạo tiền đề cho việc tự học, tự tìm hiểu và tự nghiên cứu sâu hơn. Học
viên tham gia chủ động vào giờ học, thấy hứng thú và thực sự cảm nhận ý nghĩa
của mỗi giờ đến lớp. Qua việc trả lời câu hỏi trắc nghiệm, bài tập
tình huống, giảng viên củng cố lại kiến thức, kịp thời uốn nắn tư
duy chưa đúng và nhận thức lệch chuẩn nếu có của học viên.
Để đưa các câu hỏi trắc nghiệm
và bài tập tình huống vào nội dung giảng dạy đòi hỏi sự cố gắng của cả giảng
viên và học viên. Đây thực sự là một phương pháp cần thiết khi muốn nâng cao
chất lượng dạy và học lý luận nói chung, trong đó có lý luận về nhà nước và
pháp luật./. |