Thạc sĩ Lê Thị Như Hoa
Trưởng
phòng Đào tạo
Mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính
nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 là: Đến năm 2020 xây dựng được một nền hành
chính phục vụ trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hoạt động có
hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN,
phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trọng tâm của cải cách hành chính là
cải cách chế độ công vụ, công chức và nâng cao chất lượng dịch vụ do cơ quan
hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp. Để thực hiện
được chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đòi hỏi phải xây dựng
và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đủ về số lượng, đảm
bảo chất lượng và cơ cấu. Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo để bộ
máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả càng đòi hỏi phải xây dựng và phát
triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ,
có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2020 đã
khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất tốt,
tận tuỵ phục vụ nhân dân, có tính chuyên nghiệp cao” là một giải pháp quan
trọng nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển biến mạnh về cải cách
hành chính.
Cán
bộ, công chức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện
chính sách cho cơ quan, tổ chức. Họ trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch
của cơ quan, tổ chức; các mục tiêu quốc gia. Họ thực hiện các giao tiếp (trao
đổi, tiếp nhận thông tin,...) giữa các cơ quan nhà nước với nhau, với các doanh
nghiệp và công dân. Muốn thế, đội ngũ cán bộ, công chức phải được quan tâm đào
tạo, bồi dưỡng về năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ
nhân dân. Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một nội
dung quan trọng của chương trình tổng thể cải cách hành chính.
Trong
thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được chú trọng,
bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng lên nhờ được đào tạo, bồi dưỡng
cả về trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm công tác và năng
lực thực thi công vụ. Đại bộ phận cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng
theo yêu cầu của thời kỳ đổi mới; số công chức trẻ có trình độ được tuyển chọn
ngày một tăng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của một nền hành chính hiện đại.
Tuy vậy công tác
đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua còn lúng túng nhất là trong công tác quy
hoạch, công tác đào tạo lại; chưa xây dựng được chương trình đào tạo công chức
một cách khoa học, lâu dài; chưa có kế hoạch toàn diện; thiếu chủ động đào tạo
mới, đào tạo lại số công chức đã qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu công
việc; chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo cho từng loại công chức trong từng
năm. Đào tạo chưa thật sự gắn với quy hoạch, chưa gắn với đầu ra, thậm chí còn
tình trạng tự phát, dàn đều. Vì vậy, còn tình trạng công chức phải học qua
nhiều khoá đào tạo, tốn nhiều thời gian nhưng vẫn thiếu kiến thức chuyên môn và
kỹ năng cần thiết cho công việc. Hệ thống đào tạo còn nhiều bất cập cả về
quy mô, nội dung, phương pháp và nhất là về chất lượng chưa đáp ứng kịp những
nhu cầu đòi hỏi lớn và ngày càng cao đối với cán bộ, công chức. Nội dung đào
tạo còn dàn trải, chương trình còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, kỹ
năng thực hành không nhiều; phương pháp đào tạo theo kiểu truyền thống, kinh
nghiệm truyền đạt của giảng viên hạn chế dẫn đến người học nhàm chán. Đó là
nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong
những năm qua chưa hiệu quả.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công
chức đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay, công
tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần được đổi mới theo những phương
hướng sau:
Một là, xác định nhu cầu đào
tạo, gắn kết đào tạo với sử dụng. Một vấn đề quan trọng để cải tiến công tác đào tạo, bồi dưỡng là
phải đổi mới tư duy, quan điểm cũng như cách tiếp cận. Đào tạo, bồi dưỡng không
thể tách rời mà phải gắn với việc sử dụng cán bộ, công chức. Nghĩa là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức theo vị trí việc làm, tránh đào tạo, bồi dưỡng sai địa chỉ, không
đúng mục đích, đào tạo tràn lan, thiếu định hướng rõ ràng. Xác định
nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng trong cả quá trình đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Để tránh lãng phí trong đào tạo, cần tiến
hành điều tra tổng thể trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Nhu cầu đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là "khoảng trống" giữa cái
"thực trạng" và cái "yêu cầu". Vấn đề đặt ra cho khoá đào
tạo, bồi dưỡng là "lấp" được "khoảng trống" đó. Để xác định
được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng thì phải đánh giá được thực trạng đội ngũ
cán bộ, công chức. Bởi vì đánh giá đúng thực trạng, mới xác định đúng nhu cầu
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Hai là, xây dựng kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng theo nhu cầu đã được xác định. Sau khi đã xác định được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức theo vị trí việc làm, cần tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
hàng năm và dài hạn, đảm bảo tính cụ thể và thiết thực. Kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cần phải rõ ràng về mục tiêu, phải cụ thể, đo lường được, đảm bảo tính
khả thi và có thời hạn cụ thể. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng
điểm, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, tránh lãng phí trong đào tạo.
Ba là, đổi mới nội dung đào tạo,
bồi dưỡng. Công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa
quan tâm nhiều đến kỹ năng; còn hiện tượng trùng lặp nội dung ở một
số môn học đối với từng ngạch, bậc. Vì thế, cần phải lựa chọn kỹ
lưỡng các nhóm kiến thức, mức độ, phạm vi cho thật phù hợp với
từng loại đối tượng. Thực hiện đào tạo cơ bản và bồi dưỡng theo chức danh;
bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng lý
luận chính trị, quản lý nhà nước để thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức.
Bốn là, đổi mới phương pháp giảng
dạy. Tích cực đổi mới
phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường đối
thoại, hướng dẫn bài tập xử lý tình huống, thực hành lãnh đạo, quản lý nhằm
trang bị cho cán bộ, công chức vừa nắm được lý luận cơ bản, vừa nắm vững kỹ
năng thực hành.
Năm
là, tăng cường đầu tư
cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, từng bước xây dựng cơ sở đào tạo theo mô hình chuẩn về cơ sở vật chất.
Với chức năng, nhiệm vụ là một cơ sở đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Nam Định, những năm qua công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường Chính trị Trường Chinh đã đạt được kết quả
quan trọng.
Nhà trường xác định: cán bộ, giảng viên
là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác của nhà trường. Bởi vậy,
nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ một phần kinh phí
cho các đồng chí cán bộ, giảng viên, nhân viên đi học nâng cao trình độ. Từ năm
2010 đến nay, nhà trường đã cử 43/56 lượt đồng chí đi đào tạo chiếm 76,78% tổng
số cán bộ, giảng viên, nhân viên, gồm: nghiên cứu sinh: 3 đồng chí, cao học: 18
đồng chí, cao cấp chính trị: 13 đồng chí, đại học: 2 đồng chí, bồi dưỡng, tập
huấn gần 200 lượt cán bộ, giảng viên. Đến nay, đội ngũ cán bộ của nhà trường cơ
bản đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng
yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh.
Trên cơ sở nguồn lực con
người và các điều kiện cơ sở vật chất được tỉnh tăng cường, công tác đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ của nhà trường trong 5 năm qua đã góp phần đáp ứng yêu cầu cải
cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường đã trực tiếp giảng dạy và
phục vụ giảng dạy cho 205 lớp với 19.741 học viên. Trong đó: đào tạo Trung cấp
chính trị và chính trị - hành chính: 64 lớp với 5.630 học viên; Trung cấp
chuyên nghiệp 13 lớp với 1.178 học viên; bồi dưỡng ngạch chuyên viên, tiền công
vụ 31 lớp với 2.996 học viên; bồi dưỡng, tập huấn 89 lớp với 9.100 học viên; Liên
kết đào tạo đại học và cao cấp chính trị - hành chính 8 lớp với 837 học viên.
Qua
tổng kết hàng năm, so với kế hoạch tỉnh giao (đối với các lớp hệ trung cấp),
nhà trường đều phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu cả về số lượng lớp và số lượng
học viên (bình quân đạt trên 120%/năm); chất lượng đào tạo ngày càng được nâng
cao. Học viên tốt nghiệp ra trường trở về địa phương, đơn vị đều phát huy vai
trò trách nhiệm cùng cấp uỷ chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Trong
quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường chấp hành nghiêm túc
quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào
tạo; các đồng chí giảng viên trong quá trình giảng dạy đã thường xuyên quán
triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực
tế của địa phương vào nội dung bài giảng, liên hệ lý luận với thực tiễn, nhà
trường gắn liền với xã hội, giúp học viên nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng
để khi ra trường nhanh chóng tiếp cận thực tế công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Kết quả đạt
được của nhà trường trong những năm qua về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp
ứng yêu cầu thực tiễn, từng bước tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực
thực thi công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, phục vụ nhân
dân./. |