Lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp là một trong những yếu tố quan
trọng quyết định chất lượng dạy và học. Hiện nay, tại trường Chính trị Trường
Chinh tỉnh Nam Định đang áp dụng rất nhiều các phương pháp giảng dạy tích cực
đối với các môn học tại chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính
nói chung và đối với đặc thù môn Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn
thể nhân dân ở cơ sở nói riêng. Vì đây là một môn học mang tính chuyên môn
nghiệp vụ rất cao, cần nhiều kiến thức lý luận và thực tiễn nên phương pháp Hỏi
chuyên gia được giảng viên sử dụng tương đối phổ biến để triển khai có hiệu quả
việc trao đổi giữa giảng viên và học viên trên lớp. Sử dụng hiệu quả phương
pháp Hỏi chuyên gia sẽ tạo sự tin tưởng của người học vào kiến thức chuyên sâu
của chuyên gia – những người có kiến thức sâu hoặc có kinh nghiệm công tác tại
Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở, đồng thời, tạo sự hấp dẫn và
hứng thú cho người học.
Mục đích sử dụng phương pháp Hỏi chuyên gia nhằm giải quyết những vướng
mắc, những điều chưa rõ của học viên liên quan đến nội dung bài giảng. Đúng như
tên gọi của phương pháp, đặc trưng quan trọng nhất của phương pháp này là học
viên có thể đặt các câu hỏi về một nội dung cụ thể và sẽ có chuyên gia giải đáp.
Qua thực tiễn đã áp dụng phương pháp hỏi chuyên gia trong giảng dạy một số các
chuyên đề của môn học Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân
ở cơ sở, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm cụ thể để có thể sử dụng hiệu quả như
sau:
Thứ nhất, lựa
chọn thời điểm và điều kiện áp dụng
Không phải nội dung nào trong các chuyên đề của môn học Nghiệp vụ công
tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở cũng nên và có thể áp dụng
phương pháp hỏi chuyên gia. Vì vậy, nhiệm vụ của giảng viên là cân nhắc, lựa
chọn đề tài nào sẽ áp dụng phương pháp này.
Phương pháp Hỏi chuyên gia thường được áp dụng để ôn tập, tổng kết một
chủ đề, một phần của bài học hoặc trước một vấn đề mới nhiều điểm phát sinh,
trước một hiện tượng còn nhiều bàn luận. Ngoài ra, phương pháp hỏi chuyên gia
cũng có thể được sử dụng khi neo chốt kiến thức, kiểm tra việc tự nghiên cứu,
kiểm tra kiến thức thực tiễn của học viên. Tuy nhiên, không nên áp dụng nhiều
lần trong một buổi học vì có thể dẫn đến nhàm chán, giảm sức thuyết phục của “chuyên
gia” đối với học viên.
Ví dụ
đối với Bài 3 Nghiệp vụ công tác Hội Nông dân và vận động nông dân ở cơ sở phần
nội dung đầu tiên của bài giảng “Mục
đích, chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của hội nông dân ở cơ sở” không
nên áp dụng phương pháp hỏi chuyên gia vì đây là vấn đề mang tính chất lý luận,
nguyên tắc. Phương pháp hỏi chuyên gia thường thích hợp đối với những đề tài
hướng về thực tiễn, những chủ đề mang tính thời sự như phần 2 Nghiệp vụ công
tác Hội Nông dân ở cơ sở, từ đó hướng học viên đến việc đặt câu hỏi mà họ quan
tâm nhất liên quan đến chủ đề mà giảng viên đưa ra.
Thứ hai, công
tác chuẩn bị người vào vai chuyên gia:
Thông
thường, có 3 dạng chuyên gia được sử dụng: Chuyên gia mời từ bên ngoài, chuyên
gia là giảng viên và chuyên gia là học viên. Với điều kiện thực tế của nhà
trường khi giảng dạy môn Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân
dân ở ở sở áp dụng hai cách lựa chọn người vào vai “chuyên gia”:
Chuyên gia là học viên: Do học viên của trường là những cán bộ, công chức, viên chức
có trình độ, có kinh nghiệm chuyên môn, có vốn sống thực tiễn tương đối sâu
rộng nên cũng là điều kiện thuận lợi để giảng viên lựa chọn chuyên gia là học
viên. Để lựa chọn đúng chuyên gia đòi hỏi giảng viên trước khi lên lớp phải tìm
hiểu thông tin về những học viên có khả năng đóng vai chuyên gia. Tiêu chuẩn
đầu tiên là học viên đó phải là người đang hoặc đã từng công tác tại Mặt trận
Tổ quốc và đoàn thể nhân dân phù hợp với nội dung của từng chuyên đề. Thông qua
giáo viên chủ nhiệm và danh sách học viên trong lớp, giảng viên có thể thu thập
được thông tin những học viên nào trong lớp đã hoặc đang công tác tại tổ chức
đoàn thể mà mình sẽ giảng dạy. Tuy nhiên, nếu học viên chỉ có kinh nghiệm thực
tế thôi chưa đủ để giảng viên lựa chọn là “chuyên gia”, bởi vì có những học
viên mặc dù có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực công tác Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể nhưng không khả năng thuyết trình trước đám đông nên khi đứng
trước lớp trình bày không thể lưu loát hoặc đáp ứng được sự mong đợi của học
viên và giảng viên. Vì vậy, để tránh sơ suất có thể xảy ra giảng viên cần gặp
gỡ và trao đổi trước để tìm hiểu khả năng của học viên và quyết định lựa chọn
hay không lựa chọn học viên đó làm “chuyên gia” trên lớp. Qua thực tế áp dụng
phương pháp cho thấy, khi giảng viên lựa chọn đúng chuyên gia sẽ đảm bảo sự
thành công của tiết học, học viên là “chuyên gia” sẽ dốc hết kiến thức, kinh
nghiệm của bản thân chia sẻ với các bạn trong lớp, về phía lớp học, sẽ tạo hứng
thú và sức thuyết phục khi nghe câu trả lời của “chuyên gia”.
Chuyên gia là giảng viên: Đây cũng
là dạng thức phổ biến của phương pháp hỏi chuyên gia. Giảng viên sẽ đóng vai
chuyên gia nhằm giải đáp những câu hỏi của học viên. Để giảng viên trở thành “chuyên
gia” đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, am
hiểu sâu về đề tài mình đưa ra trao đổi trên lớp bởi vì cũng có những trường
hợp học viên hỏi những câu hỏi khó, những câu hỏi đi sâu vào thực tiễn. Tuy
nhiên, dạng thức này chỉ nên áp dụng trong trường hợp không thể tìm được “chuyên
gia” là học viên vì thực hiện dạng thức này cũng giống như một công đoạn bình
thường trong giờ giảng của giảng viên, không gây nên sự ngạc nhiên, tò mò, hứng
thú, lạ lẫm của học viên.
Thứ ba, kỹ năng áp dụng các bước
thực hiện phương pháp Hỏi chuyên gia trên lớp
Để tiến hành thành công trên lớp, giảng viên
cần tuân thủ các bước áp dụng phương pháp như sau:
Bước 1:Nêu chủ đề
Giảng
viên nên nêu rõ chủ đề một cách ngắn gọn và rõ ràng, đúng với trọng tâm của bài
giảng. Đối với trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định đã trang bị tương
đối đầy đủ các phương tiện dạy học hiện đại, giảng viên nên ghi chủ đề lên bảng
hoặc trên máy chiếu để thu hút sự chú ý của học viên vào chủ đề mà mình cần đặt
câu hỏi và làm rõ thêm nội dung của chủ đề. Việc ghi chủ đề lên bảng hoặc máy
chiếu còn làm cho học viên và chuyên gia không lạc đề, tập trung vào giải quyết
chủ đề, khắc sâu những kiến thức liên quan đến chủ đề.
Bước 2: Giới thiệu chuyên gia (nếu chuyên gia là học viên)
Khi
giới thiệu chuyên gia cần ngắn gọn song đầy đủ các thông tin cần thiết như: họ
tên, trình độ chuyên môn, đơn vị công tác, thâm niên, kinh nghiệm ...Ở đây, chỉ
cần lưu ý là giảng viên khi giới thiệu “chuyên gia” trước lớp sao cho tạo được
niềm tin cho các học viên khác với “chuyên gia”. Từ đó, sẽ tạo không khí thoải
mái, tin tưởng để các học viên trong lớp có hứng thú khi đặt câu hỏi.
Bước 3: Đề nghị học viên đặt câu hỏi
Giảng viên cần chủ động điều hành để lấy câu
hỏi từ người học. Yêu cầu học viên đặt câu hỏi phải sát với chủ đề và quy định
thời gian đặt câu hỏi. Nếu lớp đông có thể chia nhóm để thảo luận đặt câu hỏi.
Giảng viên có thể đề nghị một học viên lên bảng ghi lại những câu hỏi của các
học viên trên lớp để “chuyên gia’ tổng hợp và trả lời. Trong quá trình ghi lại
các câu hỏi lên bảng, giảng viên định hướng cho học viên ghi câu hỏi theo nhóm
chủ đề.
Đối với
những câu hỏi lạc đề, giảng viên cần xử lý một cách tế nhị, khéo léo tránh để
cho học viên cảm thấy mình bị chê trách hoặc không khí lớp học bị căng thẳng.
Đối với trường hợp học viên đặt nhiều câu hỏi mà thời gian trên lớp “chuyên gia”
không thể trả lời hết, giảng viên có thể yêu cầu học viên tự quyết định câu hỏi
nào mình quan tâm nhất để chuyên gia chỉ giải đáp câu hỏi đó hoặc có thể nhóm
các câu hỏi tương đồng vào một nội dung cần trả lời.
Bước 4: “Chuyên gia” trả lời các câu hỏi
Dù là giảng viên hay học viên đóng vai “chuyên
gia” cũng cần trả lời lần lượt các câu hỏi của học viên trong lớp hoặc trả lời
theo nhóm vấn đề. Yêu cầu câu trả lời phải ngắn gọn, dễ hiểu và đúng trọng tâm,
làm chủ thời gian và tránh cách trả lời sẽ gây tranh luận trên lớp thậm chí mâu
thuẫn quan điểm. Thực tế trên lớp khi áp dụng phương pháp này cho thấy tất cả
những câu hỏi học viên đặt ra “chuyên gia” đều có khả năng trả lời, đáp ứng sự
mong đợi của học viên vì giảng viên và chuyên gia đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Tuy nhiên, để luôn luôn ở thế chủ động, giảng viên cũng lường trước tình huống
có thể có những câu hỏi mà chuyên gia không giải đáp nổi. Trong trường hợp đó,
cách tốt nhất nên làm là giảng viên chỉ nêu lên khái quát mang tính định hướng dựa trên lý luận, những luận cứ khoa học, tư
duy lo gic về vấn đề không nên đi sâu, chi tiết hoặc phương án cuối cùng chỉ
cần hẹn với học viên là sẽ giải đáp câu hỏi vào một lúc khác nhưng phải hẹn
chính xác thời gian, địa điểm, phương thức trả lời câu hỏi của học viên. Việc
xử lý này mặc dù có thể chưa toàn vẹn, chưa thỏa mãn được học viên nhưng dựa
trên tinh thần khoa học sẽ không làm ảnh hưởng đến uy tín của chuyên gia bởi vì
kiến thức và kinh nghiệm là vô tận, không phải chuyên gia nào cũng có thể biết
tất cả.
Như
vậy, áp dụng phương pháp Hỏi chuyên gia trong giảng dạy môn Nghiệp vụ công tác
Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở có những thuận lợi và khó khăn
nhất định đòi hỏi cả giảng viên và học viên đều phải có sự nỗ lực cố gắng. Bản
thân giảng viên phải tâm huyết và không ngừng hoàn thiện mình từ việc nâng cao
trình độ, cập nhật kiến thức thực tiễn, chuẩn bị kế hoạch chi tiết để áp dụng
thành công phương pháp trên lớp. Học viên, cần nghiên cứu trước nội dung, cần có
sự chủ động, tích cực tham gia vào nội dung bài giảng. Việc sử dụng hiệu quả
phương pháp sẽ góp phần khắc phục được tình trạng khô cứng, sáo rỗng trong
giảng dạy lý luận chính trị - hành chính, tạo không khí sôi nổi và hứng thú từ
đó không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng nói riêng và môn học Nghiệp vụ công
tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở nói chung./. |