Từ ngày 1-8-2014, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh đã ban hành chương trình, giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành
chính (chỉnh sửa, bổ sung năm 2014). Chương trình mới ra đời được biên soạn,
chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung nhiều nội dung mới nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn
công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo,
quản lý cấp cơ sở.
Trong chương trình mới này theo kết cấu nội dung, phần
kiến thức chủ nghĩa xã hội khoa học trong giáo trình Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa
Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ
còn ba bài, rút gọn hơn một nửa số lượng bài theo chương trình Trung cấp lý
luận chính trị - hành chính cũ (chương trình cũ 8 bài); số tiết theo đó cũng
giảm hơn một nửa (từ 60 tiết xuống còn 28 tiết). Cụ thể 3 nội dung đó là: Sứ
mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân; chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; liên minh giai cấp công nhân,
nông dân, đội ngũ trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Qua quá trình triển khai chương
trình này tại một số lớp ở trường trong thời gian vừa qua đã bộc lộ một số vấn
đề sau:
Thứ nhất: Xét về mặt nội dung, sự
cắt giảm này có phần hợp lý theo hướng tinh gọn, nội dung tập trung vào những
vấn đề cơ bản nhất, súc tích nhất tuy nhiên với lượng thời gian dành cho những
nội dung này quá ngắn vì thế để có được sự tiếp cận khoa học và tính thực tiễn
đối với môn học này thì đây là điều hết sức khó khăn.
Thứ hai: Với đối tượng học viên theo chương trình Trung
cấp lý luận chính trị- hành chính là cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng, chính
quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Đa số, họ có trình độ học vấn từ trung học
phổ thông trở lên, có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, cử nhân và một
số có trình độ thạc sỹ, ngoài ra họ có vốn sống thực tiễn tương đối sâu rộng.
Họ có nhu cầu nâng cao trình độ lý luận, nâng cao năng lực tư duy khoa học. Đó
là điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu tiếp thu lý luận. Tuy
nhiên, đối tượng học viên của chương trình này không đồng đều về trình độ
chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và rất đa dạng về độ tuổi. Mặt khác, họ có
hạn chế chung là thiếu hiểu biết đầy đủ về lý luận mang tính hệ thống vì vậy
một bộ phận người học không coi trọng gì đối với môn học này vì thế thái độ rất
thờ ơ, học để đối phó và vì thế kiến thức học thu nhận được không đầy đủ và sâu
sắc và khi học xong họ quên ngay lập tức.
Thứ ba: Khi hệ thống XHCN ở Liên Xô
và Đông Âu thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng và sụp đổ, cuộc cách mạng
khoa học và công nghệ cùng với nền kinh tế trí thức ngày càng phát triển thì những
biểu hiện dao động, hoài nghi, phủ nhận CNXH ngày càng nhiều và phức tạp hơn.
Trước những tình hình đó để nâng cao
chất lượng giảng dạy môn học CNXHKH và góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có trình
độ tư duy lý luận và bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng những yêu cầu ngày
càng cao của quá trình đổi mới đất nước thì đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ
các biện pháp từ đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và trực
tiếp là từ phía khoa chuyên môn đặc biệt là những người chịu trách nhiệm giảng
dạy môn học này.
Để có được một bài giảng hay, thu
hút được người nghe theo tôi trước hết khoa chuyên môn cần:
Thông báo cho giảng viên nắm bắt
được đối tượng học viên, tình hình của mỗi lớp trước khi lên lớp giảng dạy để
từ đó tùy thuộc vào đặc điểm các lớp thì người giảng viên chủ động được trong
việc áp dụng các phương pháp cũng như các nội dung giảng dạy phù hợp nhất, đem
lại hiệu quả cao nhất trong quá trình truyền thụ kiến thức.
Tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn mà cụ thể là
những người giảng dạy môn học cần tập trung nghiên cứu, trao đổi để xác định
được những nội dung trọng tâm nhất cần phải truyền đạt tới người học, những nội
dung nào để học viên tự nghiên cứu, nội dung nào để viết bài thu hoạch... có
xác định được như vậy mới làm cho nội dung của bài học trở nên sâu sắc và có
hiệu quả.
Bên cạnh đó để có được một bài giảng thành công, truyền
bá được kiến thức cũng như quan điểm, Nghị quyết của Đảng tới người học thì yếu
tố quan trọng nhất đó chính là xuất phát từ chính mỗi giảng viên và mỗi người
giảng viên cần:
Phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề phải luôn
phải trau dồi kiến thức, mỗi gảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không
ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; ngoài chuyên ngành
của mình thì cũng cần phải nắm vững các bộ môn của lý luận Mác- Lênin, lịch sử
Đảng, tư tương Hồ Chí Minh... giữa các bộ môn đó có mối quan hệ khăng khít, gắn
bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau trong mỗi bài giảng.
Phải thường xuyên cập nhật các nội dung, văn bản, Nghị
quyết chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương để đảm bảo tính thời sự
trong giảng dạy đặc biệt là văn kiện Đại hội XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Nam
Định lần thứ XIX và những vấn đề liên quan đến công cuộc xây dựng CNXH ở nước
ta hiện nay.
Trong mỗi nội dung của bài giảng cần chú ý liên hệ với thực
tiễn trong nước và quốc tế, với địa phương và với học viên - đây là vấn đề khó
khăn nhất đối với đội ngũ giảng viên trẻ. Để khắc phục vấn đề này thì một trong
những giải pháp đó chính là giảng viên phải đi học tập nâng cao trình độ, kiến
thức chuyên môn thông qua việc đi học thạc sỹ, nghiên cứu sinh, tập huấn... và
đi thâm nhập thực tế từ cơ sở để từ đó thu nhận được những kiến thức thực tiễn
để gắn với nội dung trong bài giảng của mình, tăng tính thuyết phục và sinh
động tạo hứng thú cho người học.
Hiện nay thế giới đang có rất nhiều biến động, có rất
nhiều vấn đề mới nảy sinh đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự tồn tại của
CNXH hiện thực, các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của các nước tư bản chủ
nghĩa, mối quan hệ giữa những vấn đề quốc tế với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã
hội....đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn khách quan và thực sự khoa học, giữ
vững lập trường tư tưởng từ đó cung cấp cho người học cách tiếp cận dựa trên
phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin để chống lại những quan điểm
sai trái cũng như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay.
Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học CNXHKH là nhiệm
vụ cấp thiết đối với mỗi giảng viên cũng như của nhà trường trong điều kiện
mới. Thực tế cho thấy để có chất lượng bài giảng tốt, kết quả học tập cao cần
phải hội tụ nhiều yếu tố có tính toàn diện và đồng bộ, trong đó thì trình độ
chuyên môn và sự hiểu biết thực tiễn của người giảng viên giữ vai trò quyết
định nhất, để giữ được vai trò ấy thì hơn ai hết chính giảng viên phải luôn tự
ý thức được sứ mệnh cao cả của mình./. |