ThS. Hoàng ĐìnhTrung
Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, TT Hồ
Chí Minh
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh được xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách
mạng của Đảng. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững những nguyên
lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ vị trí, vai
trò và ý nghĩa đó các môn học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
được tiến hành giảng dạy đầu tiên trong chương trình Trung cấp lý luận chính
trị - hành chính với mục đích nhằm trang bị những kiến thức cơ bản của Triết
học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học và những
nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cách cách mạng Việt
Nam, từng bước hình thành và xây dựng thế giới quan duy vật khoa học và phương
pháp luận biện chứng; trang bị những hiểu biết về tính chất của thời đại, về
chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội góp phần quan trọng vào
việc nâng cao trình độ lý luận, năng lực tư duy chính trị, củng cố, giữ vững
bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở.
Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả giảng dạy, học
tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có tính cấp thiết và
là nhân tố có tính quyết định đến nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
nói chung và cấp cơ sở nói riêng.
Các môn học lý luận có đặc điểm
là những tri thức mang tính trừu tượng hoá, khái quát hoá cao và tính hàn lâm
kinh viện. Do vậy, việc giảng dạy cũng như nghiên cứu, học tập những môn học
này là rất khó khăn đối với giảng viên và học viên. Trong những năm qua công
tác giảng dạy các môn lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở
trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định có những thuận lợi sau:
- Đội ngũ giảng viên của nhà
trường có sức trẻ, được đào tạo chính quy tại các trường đại học, học viện có
uy tín trong nước, nên có trình độ lý luận, chuyên môn cao, có tâm huyết, có
trách nhiệm đối với công tác giảng dạy.
- Về nội dung giảng dạy được
chuẩn hoá trong cả nước và bộ giáo trình các môn học được xây dựng đầy đủ có
chất lượng tạo điều kiện thuận lợi cho cả công tác giảng dạy và học tập.
- Đảng, Nhà nước đã có nhiều
chính sách đãi ngộ đối với giảng viên giảng dạy các môn học lý luận Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh được ban hành và thực hiện đã động viên cả về vật chất và
tinh thần để đội ngũ giảng viên yên tâm gắn bó với sự nghiệp.
Tuy nhiên, việc giảng dạy môn lý
luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay đang đứng trước những vấn đề khó
khăn và đối diện với nhiều thách thức.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy hiện
nay phần lớn là giảng viên trẻ, trong đó số giảng viên có tuổi đời dưới 30 tuổi
chiếm 50% tổng số giảng viên của khoa, số năm đứng lớp bình quân đạt 6 năm,
trình độ chuyên môn tương đối cao và đồng đều, được đào tạo một cách có bài
bản, có hệ thống và chính quy ở các trường đại học trong nước, tỷ lệ giảng viên
có trình độ thạc sĩ cao, hiện đã có nghiên cứu sinh, với trình độ ngoại ngữ và
tin học hiện nay của giảng viên tốt hơn trong việc sử dụng phương tiện giảng
dạy hiện đại và đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực. Vấn đề đặt ra đối với
đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh của nhà trường là ở kiến thức thực tế và kinh nghiệm giảng dạy còn
nhiều hạn chế, các bài giảng chủ yếu là lý luận kinh điển mang tính hàn lâm
khoa học, nặng lý thuyết kinh viện thiếu kiến thức thực tiễn, khả năng liên hệ
với thực tế, thực tiễn đời sống xã hội trong các bài giảng rất hạn chế làm cho
bài giảng khô khan, trừu tượng khó hiểu và thiếu tính thuyết phục đối với học
viên và tất yếu sẽ làm cho học viên khó tiếp thu kiến thức, không thấy ý nghĩa
thực tiễn của môn học dẫn tới không hứng thú với học tập.
Giáo trình các môn học trong khối
lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được biên soạn mang tính chất
chương trình khung, áp dụng trong phạm vi toàn quốc, lượng kiến thức nhiều
trong khi thời gian giảng dạy trên lớp được rút ngắn. Thực tế đó, dẫn tới tình
trạng giảng viên phải chạy theo nội dung trong giáo trình, việc mở rộng và liên
hệ thực tiễn trong các bài giảng rất khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng phương
pháp giảng dạy tích cực, phát huy vai trò và tính chủ động của học viên khó
thực hiện, trong thực tế phương pháp giảng dạy chủ đạo vẫn là thuyết trình theo
lối “đọc chép” ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giảng dạy và học tập.
Chất lượng tổ chức thi và kiểm
tra, học lại, thi lại còn nhiều chưa phù hợp cả về nội dung lẫn thể thức; thiếu
quy chế cụ thể và phù hợp với thực tế là nguyên nhân của tình trạng học viên
không tích cực và chủ động nghiên cứu tài liệu, ý thức tham gia học tập chưa
cao ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giảng dạy của giảng viên trên lớp và chất
lượng học tập của học viên.
Nâng cao hiệu quả giảng dạy các
môn lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm tới mang
tính cấp thiết, theo chúng tôi cần tập trung giải quyết tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyển dụng để xây dựng đội ngũ giảng
viên giảng dạy có chất lượng cao. Công tác tuyển dụng phải bảo đảm khách quan
khoa học nhằm tuyển chọn được những giảng viên có trình độ chuyên môn theo đúng
chuyên ngành, có khả năng sư phạm tốt và thực sự tâm huyết với công tác giảng
dạy. Ban Giám đốc nhà trường cần quan tâm tới xây dựng đề án và đề nghị với
Tỉnh có hình thức cụ thể để luân chuyển những cán bộ làm việc từ các cơ quan,
lĩnh vực khác được đào tạo theo chuyên ngành phù hợp tăng cường đội ngũ giảng
viên của nhà trường.
Thứ hai, nâng cao chất lượng
nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên theo hướng; các
nội dung nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học phải bám sát nội dung các bài
giảng được phân công và phải thực hiện đăng ký với Ban Giám đốc cụ thể về nội
dung, thời gian, địa điểm, phương thức; nâng cao chất lượng của công tác đánh
giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu thực tế.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt
động chuyên môn của các khoa chuyên môn như; hội thảo chuyên đề; duyện giáo án;
thông qua bài của giảng viên; xây dựng đề cương bài giảng thống nhất về nội
dung trọng tâm của bài, nội dung học viên tự nghiên cứu, xây dựng các bài tập
tình huống phù hợp đối với những phần học tạo điều kiện để các giảng viên của
khoa thống nhất từ việc soạn giáo án đến triển khai giảng dạy trên lớp đạt chất
lượng cao.
Thứ tư, đổi mới công tác ra đề
thi, đề kiểm tra và tổ chức kiểm tra, thi hết môn theo hướng bảo đảm đánh giá
đúng quá trình học tập và phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Cần
xây dựng ngân hàng câu hỏi của môn học và cung cấp tới học viên khi môn học
được tiến hành. Câu hỏi thi phải bảo đảm đủ hai phần lý thuyết và liên hệ với
cơ cấu điểm phù hợp bảo đảm phát huy chủ động, tích cực học tập của học viên.
Tiếp tục hoàn chỉnh quy chế học bù, học lại và các quy chế nhằm nâng cao chất
lượng công tác quản sinh.
Nâng cao chất giảng dạy các môn
học Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường Chính trị Trường
Chinh đối với chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là yêu cầu
cấp bách xuất pháp từ ý nghĩa của chương trình đào tạo và thực trạng của đội
ngũ giảng viên và công tác giảng dạy những năm qua./. |