ThS. Đới Văn Tặng
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Hồ Chí Minh - người thầy của của cách mạng Việt Nam, anh hùng
giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc
ta, một mẫu mực về sự thống nhất giữa giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng.
Ở Người, về tư tưởng đạo đức - trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn có
phạm vi bao quát rất rộng lớn, được đề cập trong cả ba mối quan hệ chủ yếu của
mỗi con người: quan hệ với chính mình, quan hệ với mọi người và quan hệ trong
công việc. Người coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, như gốc
của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây
héo. Sông phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân
dân” [Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG H2000, tr 252- 253; 552].
Người
chỉ rõ: ''Làm cách mạng để cải tạo xã hội
cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng nó cũng là một nhiệm vụ
rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh
mới gánh nặng và đi xa được. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền
tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang''. Đạo đức được Hồ Chí
Minh đề cập đến là đạo đức mới, đạo đức cách mạng mang tính nhân văn cao cả. Để
xây dựng đạo đức Việt Nam mới, Hồ Chí Minh nêu ra những nguyên tắc và phương
pháp cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng, cũng như việc rèn luyện của
mỗi người, phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức bền bỉ, suốt đời. Người thường nhắc
nhở: ''Đạo đức cách mạng không phải trên
trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và
củng cố. Cũng giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong''
[Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG H2000, tr 293].
Xuất
phát từ quan điểm nhân sinh quan, Người cho rằng bản tính con người không phải
do trời định sẵn, không phải ''thiên định
kỳ tính'' mà đạo đức con người chủ yếu chịu ảnh hưởng của giáo dục, của xã
hội, ''hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần
nhiều do giáo dục mà nên”. Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng
có phần tốt, phần xấu, trong cuộc sống khó tránh hết những khuyết điểm, sai
lầm. Vì vậy, vấn đề là phải nhận thức được những điểm yếu để sửa chữa, khơi dậy
phần thánh thiện tốt đẹp của con người, đẩy lùi cái xấu, cái ác. Tu dưỡng đạo
đức phải thực hiện thường xuyên, bền bỉ, kiên trì, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự
khổ công rèn luyện, ví như việc giã gạo:
“Gạo
đem vào giã bao đau đớn
Gạo
giã xong rồi trắng tựa bông
Sống
ở trên đời người cũng vậy
Gian
nan rèn luyện mới thành công”
Xây
dựng đạo đức mới, Bác đòi hỏi phải nêu gương điển hình, lời nói phải đi đôi với
việc làm. Giáo dục đạo đức mới yêu cầu sự gương mẫu. Đó là những tấm gương tốt
trong cuộc sống của ông bà, cha mẹ với con cháu; của anh chị với những người
em; của thầy cô giáo với học sinh, của cán bộ, đảng viên với nhân dân, của
người tốt, việc tốt với mọi người.
Nêu
gương đạo đức là lời nói phải đi đôi với việc làm. Đó vừa là nguyên tắc để xây dựng đạo đức mới vừa là ranh
giới phân biệt với đạo đức cũ. Nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng
làm một nẻo là đặc trưng đạo đức của giai cấp bóc lột. Người cách mạng thì lời
nói phải đi đôi với việc làm, hành động gương mẫu để quần chúng noi theo. Đó là
nguyên tắc để rèn luyện, tu dưỡng và xây dựng đạo đức mới. Người nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết
lên trán chữ ''cộng sản'' mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những
người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho
người ta bắt chước’’ [Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG H2000, tr 252-
253; 552].
Xây
dựng đạo đức mới, phải gắn với đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng, cái tốt,
loại trừ cái sai, cái xấu. Xây phải đi đôi với chống. Người cho rằng, trong
cuộc sống công tác hàng ngày và ngay trong mỗi con người cái tốt, cái xấu, cái
đúng, cái sai, cái đạo đức, cái vô đạo đức luôn tồn tại đan xen. Nhưng cái vô
đạo đức chỉ thừa dịp là trỗi dậy tấn công con người. Vì vậy, xây dựng đạo đức
cách mạng, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cao đẹp: trung với nước, hiếu với
dân; cần kiệm liêm chính, tình nhân ái, tinh thần quốc tế trong sáng... phải đi
liền với cuộc đấu tranh chống những hiện tượng vô đạo đức như chủ nghĩa cá
nhân, tệ quan liêu, tham ô, lãng phí; bè phái, mất đoàn kết, vô kỷ luật. Phải
quét sạch chủ nghĩa cá nhân vì đó là thứ bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con.
Theo
Bác, tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc xây dựng và rèn luyện đạo đức
mới. Trong cuộc sống, mỗi người khó tránh hết những khuyết điểm. Nhưng khi có
khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình,
rồi kiên quyết sửa chữa. Mỗi đảng viên, cán bộ, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự
phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày, như vậy mới mong tiến bộ. Chúng ta
khẳng định những mặt tích cực tiến bộ của nền đạo đức xã hội mới, nhiều giá trị
đạo đức truyền thống được bảo tồn và phát huy, như chủ nghĩa yêu nước, tinh
thần đoàn kết, tương thân, tương ái.... Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực
đó, nền đạo đức xã hội ta còn nhiều yếu kém, sự phai nhạt lý tưởng, sa sút về
phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và
nhân dân. Tệ quan liêu, tham nhũng trở thành quốc nạn chưa được ngăn chặn hiệu
quả. Nguyên nhân chủ quan của những tiêu cực đó là do chúng ta chưa lường hết
những tác động từ mặt trái cơ chế thị trường, thiếu những biện pháp kiên quyết,
hữu hiệu trong cả xây và chống; chưa xử lý kiên quyết với những cán bộ thoái
hóa biến chất.
Để
xây dựng đạo đức trong Đảng, đạo đức xã hội phát triển lành mạnh, mỗi người dân
Việt Nam
luôn luôn học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức theo tấm gương của Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Chúng ta nên tổ chức thường xuyên và rộng rãi cho toàn Đảng, toàn
dân, đặc biệt với thanh niên, học sinh học tập và rèn luyện đạo đức theo tư
tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra môi trường xã hội trong sạch, làm động lực để xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, chúng ta phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa
cá nhân, bệnh quan liêu, tham nhũng; xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến
chất; xây phải đi đôi với chống. Đồng thời cần nhân rộng những tấm gương điển
hình, trước hết là cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng nêu gương sáng
cho nhân dân. Xây dựng Đảng ta là Đảng vừa là đạo đức, vừa là văn minh, xứng
đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân.
Trước
yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong
giai đoạn mới, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên trong nhà trường cần thấm
nhuần tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác. Biết cách học tập, vân dụng sáng
tạo, linh hoạt vào đơn vị, với quyết tâm chính trị cao, hành động tích cực và
quyết liệt. Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn làm thước đo phẩm chất
đạo đức, bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm, lòng trung thành với Đảng,
với Tổ quốc và nhân dân. |