Vấn đề gắn kết
giữa nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn luôn là một đòi hỏi cấp bách và
là một phương thức để mang đến thành công cho hoạt động của mỗi cá nhân, tổ
chức và của một chính Đảng. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi
với làm là một trong những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc đó trở thành phương châm trong giảng dạy và học
tập ở các trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị Trường Chinh Nam
Định nói riêng.
Khoa Nhà nước - Pháp luật đã không ngừng nỗ lực vươn
lên trong hoạt động, nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện ngày càng tốt hơn
những nhiệm vụ mà Đảng ủy và lãnh đạo Nhà trường giao cho. Hiện tại đội ngũ
giảng viên trong khoa vẫn luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để không ngừng
nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với các môn học thuộc khoa đảm
nhận.
Một trong những
lý do để tạo nên chất lượng bài giảng theo chúng tôi đó là khả năng vận dụng,
liên hệ những nội dung lý luận gắn với đời sống thực tiễn vốn rất đa dạng,
phong phú, thông qua hoạt động giảng dạy của mình. Hiện nay khoa Nhà nước và
pháp luật đang giảng dạy các bài thuộc môn học: Những vấn đề cơ bản về hệ thống
chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, Quản lý hành chính nhà nước trong
chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính và các bài trong chương
trình Trung cấp Pháp luật.
Thực tế thời gian qua, bài giảng các môn học ở khoa đã
luôn bám sát thực tiễn, đội ngũ giảng viên luôn chủ động nghiên cứu lý luận
đồng thời cập nhật, bổ sung thực tiễn vào bài giảng. Tuy nhiên, hiệu quả đạt
được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cũng
như yêu cầu nâng cao chất lượng. Vẫn còn một số bài giảng còn thuần về lý luận,
việc liên hệ với thực tiễn còn hời hợt, chưa sát nội dung, đối tượng đào tạo vì
thế hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do đội ngũ
giảng viên trong khoa thời gian gần đây có sự biến động: giảng viên có kinh
nghiệm lâu năm nghỉ chế độ, một số đồng chí luân chuyển vị trí công việc. Hiện
tại trong khoa với 5 giảng viên là nữ, có giảng viên tuổi đời cũng như tuổi
nghề còn khá trẻ thiếu thực tiễn.
Để gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong bài giảng
các môn học thuộc khoa Nhà nước - Pháp luật hiện nay theo chúng tôi cần lưu ý
một số vấn đề sau đây:
- Một là: Gắn lý luận với thực tiễn trong việc giảng
dạy và học tập các môn học thuộc khoa Nhà nước - Pháp luật đảm nhận như thế nào?
Lý luận gắn với thực tiễn có ý nghĩa quyết
định đến nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn học thuộc khoa Nhà nước
- Pháp luật và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng của nhà trường nói chung. Bài
giảng có tính thực tiễn phải luôn bám sát tình hình kinh tế - xã hội của đất
nước, các nhiệm vụ từng ngành, đơn vị, địa phương…Nghĩa là, bài giảng phải được
gắn với thực tiễn cuộc sống và phải phản ánh được đòi hỏi của thực tiễn. Trong
khi soạn bài, giảng viên cần phải chú ý những nội dung phản ánh được những yêu
cầu cơ bản và những vấn đề thực tiễn cần được quan tâm và được lý giải bằng lý
luận; nội dung phản ánh được sự đúng đắn trong quan điểm, đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của ngành, của địa phương, cập nhật
những vấn đề mang tính thời sự, cần thiết.
Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi người
giảng viên (đặc biệt là giảng viên trẻ) phải chủ động nghiên cứu một cách công
phu, nghiêm túc, điều tra, khảo sát thu nhập dữ liệu, tiếp cận trực tiếp các sự
kiện, các báo cáo chuyên đề, dự các lớp tập huấn, nghiên cứu các văn kiện Đảng,
báo chí, khai thác mạng Internet… để làm cơ sở tư liệu cho việc soạn bài. Đồng
thời thông qua việc đi nghiên cứu thực tế tại địa phương vận dụng những nội
dung đã thu được vào bài giảng làm cho bài giảng sinh động, có tính thuyết phục cao.
- Hai là: Vận dụng thực tiễn vào bài học sao cho hợp lý, có hiệu quả cao.
Muốn gắn lý luận với thực tiễn có hiệu quả
cao, giảng viên cần phải hiểu và xác định, phân loại được những nội dung nào
cần thiết phải liên hệ. Thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính hợp lý, điển
hình, nổi bật, có ý nghĩa chung chứ không phải ngẫu nhiên. Các sự kiện phải
mang tính thời sự, phải có thật, đang được xã hội quan tâm.
Đồng thời khi vận dụng thực tiễn cần sát
và phù hợp với những vấn đề lý luận. Giảng viên cần phải có sự phân tích để
người học thấy được sự phù hợp giữa lí luận với thực tiễn. Tất nhiên, không
phải nội dung lý luận nào cũng phải có liên hệ thực tiễn mà chỉ những nội dung
quan trọng, cần thiết hay muốn tăng thêm tính thuyết phục trong quá trình giảng
dạy thì giảng viên sẽ vận dụng liên hệ. Bởi lẽ, nếu trong các bài giảng của các
môn thuộc khoa Nhà nước và pháp luật nội dung nào cũng buộc phải đưa thực tiễn
vào để chứng minh thì sẽ không thể bảo đảm về mặt thời gian, do dung lượng kiến
thức lý luận quá nhiều. Mặt khác, nếu tập trung nhiều những vấn đề thực tiễn
nhiều thì bài giảng có thể biến thành buổi nói chuyện thời sự. Vì vậy, cần phải
hiểu đúng và vận dụng hợp lý thực tiễn vào bài giảng mới đạt được kết quả cao.
- Ba là: Có sự phối kết hợp giữa giảng viên và học viên trong quá trình giảng
dạy và học tập.
Trong
quá trình giảng dạy người giảng viên phải quán triệt tốt nhiệm vụ của mình và
nắm chắc nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm giảng dạy, từ đó có sự lựa chọn vận
dụng lý luận và thực tiễn sao cho hiệu quả. Học viên của nhà trường đa phần là
đang công tác, có kinh nghiệm trong công việc. Vì vậy, trong quá trình giảng
bài, giảng viên cần có sự trao đổi những nội dung thực tiễn với học viên thông
qua các giờ thảo luận. Từ đó giảng viên vận dụng những kiến thức thực tiễn vào
bài giảng cho sinh động.
Có thể nói, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và
học tập các môn học thuộc khoa Nhà nước - Pháp luật đảm nhiệm là yếu tố
quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính
trị Trường Chinh. Đây là yêu
cầu đặt ra cần phải giải quyết không chỉ cho riêng giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật mà còn
là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các giảng viên trong nhà trường. Trên đây là
những suy nghĩ của bản thân nhằm nâng cao chất lượng bài giảng của đội ngũ
giảng viên nhà trường hiện nay./. |