Cuối năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Dưới ngọn cờ của giai cấp phong kiến, nhân dân Việt Nam đã anh dũng chống trả quyết liệt bọn xâm lược với tinh thần “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực). Nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân thù, triều đình nhà Nguyễn, trong thì sợ nhân dân, ngoài thì bạc nhược trước kẻ thù, ban đầu có sự chống cự yếu ớt, sau đã từng bước đầu hàng bằng việc lần lượt ký các hàng ước với thực dân Pháp vào năm 1883, 1884, đưa nước ta từ một nước độc lập có chủ quyền trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp rầm rộ trên khắp cả nước. Nhưng các cuộc khởi nghĩa này đều lần lượt bị thất bại vì chưa có đường lối kháng chiến đúng đắn; lãnh đạo kháng chiến vẫn là các sĩ phu, văn thân còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, tôn quân. Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc trầm trọng về con đường giải phóng dân tộc.
Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước sẽ không giải phóng được dân tộc. Vì vậy, việc không lặp lại thất bại của những người đi trước đã là một điều khó khăn, nhưng tìm ra con đường mới phù hợp đưa đất nước tới độc lập, tự do là điều còn khó khăn hơn nhiều. Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành đã không đi sang Nhật hay Trung Quốc mà sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Hành trang duy nhất mà Người mang theo chỉ là lòng yêu nước thương dân sâu sắc và quyết tâm tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Để làm được điều đó, cần phải có lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Quyết định này đã thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của Người.
Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau. Đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động. Đi đến đâu, Người cũng tự nghiên cứu, tự học, cũng hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản, thuộc địa. Trong suốt chặng đường bôn ba ấy, cuộc sống đầy khó khăn gian khổ cũng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc thêm lòng yêu nước nồng nàn, kiên định với mục tiêu giải phóng dân tộc.
Tháng 7 năm 1920, Người đã tiếp cận được với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Luận cương của Lênin đã chỉ ra điều mà Người đang tìm kiếm: con đường cứu nước giải phóng dân tộc - con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới.
Từ năm 1911 đến năm 1920 là cả một hành trình tìm đường cứu nước lâu dài đầy gian khổ. Nhưng có thể nói, trong con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết cho sự dấn thân vào quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đi theo. Đó là ý chí lớn lao, sự hy sinh, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, tất cả vì mục tiêu, lý tưởng là giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Nếu không có sự hy sinh lớn lao đó thì đã không có cuộc trở về mùa Xuân năm 1941 để cách mạng Việt Nam có một vị lãnh tụ thiên tài, đức độ, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, hành trình tìm đường cứu nước của Người thực sự là minh chứng sáng ngời cho việc giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng, quyết tâm thực hiện ước mơ, hoài bão và sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu, thực hiện mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Ngày nay, đất nước đã hòa bình, độc lập, tự chủ và phát triển nhưng khát vọng đưa Việt Nam “sánh ngang với các cường quốc năm châu” vẫn luôn là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Tuy nhiên, trước sự tác động phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã làm cho tư duy, cách nghĩ của thanh niên có sự khác nhau. Do đó, để tạo ra sự đồng thuận, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục lý tưởng cho thanh niên, biết học tập, noi gương và làm theo Bác Hồ một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.
Đối với thanh niên nói chung và thanh nên trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định nói riêng thì tinh thần, ý chí của Bác trong suốt hành trình tìm đường cứu nước cũng như toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người luôn là động lực và nguồn cảm hứng để tuổi trẻ noi gương, phấn đấu vươn lên trong lao động, học tập, rèn luyện, tích lũy tri thức, góp công, góp sức đưa đất nước chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, sánh ngang với các cường quốc năm châu. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu, là kinh nghiệm và định hướng giúp thanh niên suy nghĩ, hành động đúng đắn, vững vàng, trưởng thành trong hành trình lập thân, lập nghiệp. Học tập và làm theo lời Bác chính là vinh dự và trách nhiệm của tuổi trẻ, là điều kiện để phát triển, ngày càng xứng đáng với vai trò là đại diện cho tương lai và sự phát triển của đất nước./.
|