Hồ Thị Lý - Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật
Ngày 20/11/2014, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII kỳ
họp thứ 8 đã thông qua Luật Hộ tịch với nhiều điểm mới tích cực, trong đó luật
đã quy định về Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm tập hợp và quản
lý thống nhất mọi dữ liệu hộ tịch của công dân Việt Nam ở trong nước và nước
ngoài. Sổ hộ tịch là nguồn của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ
công tác quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiện đại, bảo
đảm thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác sử dụng. Hai
khái niệm sổ hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đều thống nhất trong khái
niệm chung là cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Ở
nước ta, việc đăng ký và quản lý hộ tịch có lịch sử lâu đời từ thời phong kiến
nhà Trần và các triều đại phong kiến tiếp theo. Tuy nhiên, việc quản lý hộ tịch
chỉ được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học từ thời kỳ Pháp thuộc. Trong thời
Pháp thuộc, sổ hộ tịch được ghi chép rất cẩn thận với ba thứ tiếng gồm tiếng
Việt, tiếng Pháp và tiếng Trung (gọi là “sổ bộ”), ngoài chữ ký của người đi
đăng ký khai sinh, người có thẩm quyền chứng nhận thì còn có cả chữ ký của
người làm chứng. Hiện nay, một số sổ sách hộ tịch thời Pháp thuộc vẫn còn được
lưu giữ tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Suốt thời bao cấp cho đến cuối thể kỷ 20, việc ghi chép sổ
hộ tịch đã dần được hoàn thiện, việc phân cấp quản lý hộ tịch tại từng địa
phương đã diễn ra từng bước, tuy nhiên qua đánh giá việc lưu trữ trong suốt
thời kỳ này còn thô sơ, không mang tính bảo quản lâu dài, trong đó có nguyên
nhân khách quan là do chiến tranh, thất lạc và nguyên nhân chủ quan thì với nền
kinh tế còn hết sức khó khăn, nhân lực, vật lực còn thiếu việc ghi chép đầy đủ
đã cố gắng rồi.
Đến đầu năm 2006 khi
Nghị định 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực cho đến nay, công tác đăng ký, quản lý hộ
tịch ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, việc ghi sổ kép và lưu sổ cũng
được triển khai và thực hiện nghiêm túc
hơn, nội
dung trong sổ được viết rõ ràng, sạch sẽ, ít sai sót hơn; việc sửa chữa sai sót cũng đã được thực hiện theo đúng hướng dẫn. Nhiều địa phương đã
đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc lưu sổ hộ tịch (bố trí kệ sắt, tủ, phòng
lưu trữ…). Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định còn bộc lộ một số hạn chế
như tình trạng thông tin hộ tịch của cá nhân trong các giấy tờ không thống
nhất; thực tế cho thấy có trường hợp một người có tới 2 thậm chí 3 giấy khai
sinh; rồi việc tùy tiện cải chính năm sinh, việc khai tử không đúng quy định
của pháp luật để trục lợi (ví dụ như: để đủ tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm;
không khai tử cho người đã chết để tiếp tục hưởng tiền trợ cấp, bảo hiểm xã
hội, ngược lại có trường hợp khai tử cho người còn sống để hưởng chế độ tử
tuất, để chia nhau ”di sản”...); hay để trốn tránh pháp luật (ví dụ như để tảo
hôn...). Nguyên nhân của tình trạng trạng trên là do dữ liệu hộ tịch của cá
nhân bị phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau. Từ trước đến nay pháp
luật về hộ tịch đều quy định mỗi việc hộ tịch (sinh, kết hôn, tử, nuôi con
nuôi, giám hộ…) được đăng ký vào một sổ riêng (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký
kết hôn, Sổ đăng ký tử, Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi v.v…), qua đó dữ liệu
khai sinh chỉ được phản ánh trong Sổ đăng ký khai sinh, dữ liệu kết hôn chỉ
được phản ánh trong Sổ đăng ký kết hôn… Mặt khác, trong thời kỳ công nghiệp hóa
và hội nhập hiện nay, người dân di cư tới nhiều địa bàn khác nhau (kể cả ở nước
ngoài), thì các sự kiện hộ tịch của cá nhân cũng được
đăng ký ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều cấp khác nhau, kể cả ở Cơ quan đại diện; trong khi đó lại không có 01 sổ hộ tịch chung để tích hợp
mọi thông tin về hộ tịch của mỗi cá nhân, chính vì vậy, các dữ liệu hộ tịch của
cá nhân bị phân tán, không xâu chuỗi, kết
nối được với nhau nên Nhà nước không kiểm soát được thông tin về hộ tịch
của từng cá nhân, khả năng tra cứu, khai
thác phục vụ cho yêu cầu của người dân và của các cơ quan, tổ chức rất hạn chế. Cùng với thông tin ghi
trong sổ hộ tịch, các giấy tờ hộ tịch được cấp cho cá nhân công dân cũng chỉ có
nội dung ghi về một sự kiện hộ tịch đã được đăng ký nên khi cần chứng
minh tình trạng hộ tịch, thì người dân phải nộp cùng một lúc tất cả các loại
giấy tờ hộ tịch đã được cấp.
Bên cạnh đó, việc quản lý các
thông tin biến động hộ tịch còn bất cập, chưa có được sự liên thông giữa các
ngành ở Trung ương và địa phương. Cùng với
hệ thống sổ hộ tịch chưa được cải tiến hợp lý như đã nói ở trên và việc
lưu sổ hộ tịch và hồ sơ đăng ký hộ tịch cũng chưa khoa học đã dẫn đến hệ thống dữ liệu hộ tịch (thực
chất là những kho dữ liệu độc lập) bị phân
tán, không tập trung, không kết nối được với nhau nên không tích
hợp được thông tin về hộ tịch của từng cá nhân; khả năng tra cứu, khai thác phục vụ cho yêu cầu của người dân và của các
cơ quan, tổ chức là rất hạn chế. Điều này một mặt làm giảm hiệu quả công tác
quản lý dân cư, quản lý xã hội, chưa đóng góp được nhiều cho công tác dự báo để
hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách về kinh tế, xã hội và an ninh quốc
phòng của đất nước. Mặt khác, vừa thiếu cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm cho
người dân thực hiện các quyền công dân của mình, vừa tạo kẽ hở cho một số cá
nhân lợi dụng trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của
pháp luật.
Luật Hộ tịch ra đời với việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia đã
khắc phục được những hạn chế trên. Điều này được thể hiện ở một số điểm sau:
- Luật quy định việc ứng dụng
mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Chẳng hạn tới đây khi đăng ký khai sinh thì ngoài việc được
cấp Giấy khai sinh, người được đăng ký khai sinh đồng thời được cấp Số định
danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp
lại ở người khác; số này cũng chính là số Thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ
14 tuổi. Như vậy, với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tỷ
lệ đăng ký khai sinh chắc hẳn sẽ cao, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai
sinh, tùy tiện cải chính ngày tháng năm sinh sẽ không còn cơ hội để tồn tại
nữa.
- Với việc Luật cho phép xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu
giấy), đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các Bộ, ngành,
địa phương có thể lấy thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để
giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, thì một mặt sẽ khắc phục được tình
trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong
các cơ sở dữ liệu có liên quan và mặt khác là sự cải cách đáng kể thủ tục hành
chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân
cư.
Tuy nhiên, dự liệu việc thi hành luật này vẫn còn một số
vấn đề khó khăn, nếu khắc phục được thì thiết nghĩ luật đã đi vào cuộc sống và
hoàn toàn tạo được sự tin tưởng của nhân dân:
-
Thứ
nhất, về trình độ của một số
công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã còn hạn chế. Tuy đầu vào là yêu cầu phải có
bằng trung cấp luật trở lên, có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ nhưng thực tế
tại một số địa phương thì việc tuyển công chức cấp xã còn nhiều bất cập, thậm
chí tuyển người học quản lý hành chính vào làm tư pháp, hoàn toàn không liên
quan đến ngành luật. Công chức tư pháp cấp xã còn kiêm nhiệm thêm chức phó
trưởng Công an, công tác tư pháp bị san sẻ sang hẳn lĩnh vực khác thì việc
chuyên tâm ắt sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên việc đầu tiên, công chức Tư pháp - hộ
tịch phải thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, giảm tải trong
công việc, phân công công tác cho hợp lý nhất.
-
Thứ
hai, việc cập nhật dữ liệu hộ
tịch điện tử đòi hỏi hệ thống máy móc, phương tiện làm việc phải hoàn chính,
đồng bộ. Hiện nay, công chức tư pháp cấp xã ít người có máy riêng, hầu hết phải
dùng chung máy với bộ phận khác như dùng chung máy với văn phòng, lao động -
thương binh xã hội, kế toán...cho nên việc bảo mật dữ liệu không đảm bảo. Mặt
khác, hệ thống máy móc lại không được quan tâm đúng mức, phần nhiều đã dùng
những máy đã hết khấu hao, khi xảy ra sự cố rất dễ dẫn đến tình trạng mất dữ
liệu cục bộ. Cho nên, nâng cấp hệ thống máy tính là ưu tiên cho việc thực hiện
nhập dữ liệu hộ tịch điện tử nêu trên.
Luật Hộ
tịch ra đời với quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch có thể coi là một bước đột
phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ nhân dân. Là cơ sở pháp
lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, là cơ sở để xây
dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại,
thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và cơ quan,
tổ chức./.
|