banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Hội thảo khoa học

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước...

Nguyễn Thị Dung - Trưởng khoa Dân vận

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm tới công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước. Mục đích của cải cách hành chính nhà nước là nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, vững mạnh, từng bước hiện đại; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội và thực thi quyền lực của nhân dân. Nền hành chính nhà nước phải được cải cách sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đây chính là sự thể hiện khả năng phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong lựa chọn nội dung, cách thức, biện pháp tối ưu để cải cách nền hành chính đạt được kết quả tốt nhất.

Nền hành chính nhà nước là một hệ thống các tổ chức và định chế nhà nước có chức năng thực thi quyền hành pháp.

Nền hành chính nhà nước bao gồm 4 yếu tố: Hệ thống thể chế quản lý; Cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống hành chính; Đội ngũ cán bộ công chức (CBCC); Tài chính bảo đảm cho bộ máy hoạt động. Các yếu tố có tác động qua lại tạo thành một thể thống nhất trong hệ thống.

Cải cách hành chính nhà nước (nền hành chính nhà nước) không còn là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề mang tính thời sự đối với mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, vấn đề cải cách (cải cách bộ máy nhà nước) được diễn ra ở mọi thời kỳ lịch sử.

Thời kỳ phong kiến, các triều đại phong kiến ở Việt Nam không gọi là cải cách hành chính nhưng đều có những cuộc cải cách liên quan đến việc thay đổi phương pháp, cách thức mà các triều đại phong kiến sử dụng để quản lý đất nước. Triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), Luật Hồng Đức phân chia lại địa giới hành chính một cách hợp lý để quản lý chặt chẽ (chia thành 13 đạo, sắp xếp bộ máy thành 6 bộ: Lại, Lễ, Hộ, Hình, Binh, Công). Triều vua Minh Mạng (1820-1840), chia nước ta thành 30 tỉnh và 1 kinh đô, sắp xếp lại tổ chức, ngoài 6 bộ còn thêm 4 viện. Bộ máy cai trị thiết lập chặt chẽ từ triều đình đến phủ, huyện, xã.

Thời kỳ thuộc địa, ngay sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã luôn tìm cách thay đổi cách thức quản lý nhằm đạt mục tiêu của chính sách cai trị. Việc phân chia Việt Nam thành 3 kỳ với các chế độ quản lý khác nhau và tiếp theo là những điều chỉnh địa giới hành chính cũng như bộ máy và chính sách cai trị... đều nằm trong chính sách chia để trị của thực dân Pháp hay còn gọi là chính sách “cải cách hành chính” của thực dân Pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành và giữ chính quyền lập ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (2/9/1945). Trong suốt thời kỳ từ 1945 đến trước đổi mới (1986) là thời kỳ đất nước liên tục đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược và những khó khăn về kinh tế - xã hội. Đây cũng là giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam: Hiến pháp thay đổi 3 lần (1946, 1959, 1980); địa giới hành chính các tỉnh, huyện có sự biến đổi; bộ máy quản lý nhà nước trong thời kỳ này cũng thường xuyên thay đổi; cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương, địa phương... liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn. Sự thay đổi đó là cần thiết nhằm đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ 1986 đến nay, thuật ngữ cải cách hành chính chính thức được đưa vào các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Những chủ trương về cải cách hành chính của Đảng được thể hiện rõ trong các văn kiện từ Đại hội Đảng VII (1991) đến nay.

Đại hội Đảng VI (1986), Đảng đề ra chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, trọng tâm là đổi mới kinh tế, với nhiều chủ trương, giải pháp cải cách kinh tế nhưng chưa đề ra chủ trương cải cách nền hành chính nhà nước. Sự chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi phương pháp quản lý của Nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng phải có những nét chuyển đổi cơ bản.

Đại hội Đảng VII (1991), Đảng đưa ra những quan điểm chỉ đạo đặt nền móng cho công cuộc cải cách nền hành chính. Về nhiệm vụ cải cách hành chính, Đảng chỉ đạo: “trọng tâm cải cách nhằm vào hệ thống hành chính với nội dung chính là xây dựng một nền hành chính thông suốt từ Trung ương xuống cơ sở, có đủ quyền lực, năng lực, hiệu lực”[1]. Hiến pháp 1992 thay thế Hiến pháp 1980. Tuy nhiên cải cách hành chính mới dừng lại ở phạm vi cải cách một số nội dung của bộ máy hành chính là chủ yếu, chưa có tính tổng thể, đồng bộ. Bởi vậy, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực lập pháp cũng như hành pháp, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của tình hình thực tế.

Năm 1995, Hội nghị lần thứ 8 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII), Đảng đã ra Nghị quyết chuyên đề về cải cách nền hành chính nhà nước. Hội nghị xác định: Cải cách một bước nền hành chính nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước với mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của Nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Hội nghị đã chỉ ra nội dung cơ bản, lâu dài của cải cách nền hành chính nhà nước ta và xác định rõ quan điểm, nguyên tắc của cải cách nền hành chính trong tổng thể đổi mới hoạt động của Nhà nước.

Đại hội Đảng VIII (1996), Đảng ta nhấn mạnh “Công cuộc cải cách hành chính phải dựa trên cơ sở pháp luật và tiến hành đồng bộ trên các mặt: cải cách thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức hành chính”[2].

Nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết Đại hội Đảng VIII đề cập đến 3 nội dung: Cải cách thể chế nền hành chính; Chấn chỉnh tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động của hệ thống hành chính; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII tập trung vào vấn đề cán bộ. Hội nghị đã ban hành Nghị quyết về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh”[3]. Đại hội đã quyết định phương hướng lớn về cải cách hành chính nhà nước. Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010”.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 tập trung cải cách trên 4 nội dung cơ bản: Thể chế hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; cán bộ, công chức hành chính và tài chính công.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng chỉ đạo tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã nhấn mạnh: “Cải cách hành chính phải được thực hiện đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể và bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”[4].

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng chỉ đạo tiếp tục cải cách để đạt được những mục tiêu cải cách nền hành chính nhà nước. Ngày 8/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước, Đảng xác định: Muốn xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực, hiệu quả công việc của nhà nước, không thể chỉ sửa đổi cục bộ, chắp vá mà phải tạo ra sự biến đổi căn bản, có hệ thống của nền hành chính trên cơ sở giữ vững ổn định chính trị.

Quá trình thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá đúng tình hình, hoàn cảnh lịch sử và các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; tình hình thực tế của bộ máy nhà nước, nền hành chính nhà nước để lựa chọn nội dung, hình thức, bước đi, cách làm cho phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng.

Trong những năm từ 1991-1995, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách một bước nền hành chính nhà nước với khâu đột phá vào cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức, thí điểm áp dụng cơ chế “một cửa, một dấu”; tập trung sửa đổi, bổ sung căn bản hiến pháp; bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới một số luật về kinh tế; bước đầu chấn chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy; cải cách một bước về cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức và bước đầu thực hiện chế độ thi tuyển công chức ở một số cơ quan hành chính nhà nước.

Từ năm 1996, nền hành chính nhà nước được cải cách đồng bộ. Giai đoạn từ năm 1996-2001, tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; quản lý, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, tiếp tục cải cách các chế độ, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.

Từ năm 2001-2010, Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính cho phù hợp với thời kỳ CNH- HĐH đất nước, trước hết là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng thực hiện cơ chế “một cửa” đến cấp cơ sở trong toàn quốc; tiếp tục tinh giảm bộ máy; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và tiến hành một bước cải cách tài chính công.

Từ năm 2011-2015, trọng tâm cải cách hành chính là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Hiến pháp năm 2013 ra đời (sửa  đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992) là bước đột phá tạo đà cho công cuộc cải cách hành chính giai đoạn này đạt kết quả.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách; lựa chọn đúng phương thức cải cách và đạt nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhiều mục tiêu đặt ra nhưng không đạt yêu cầu. Đảng ta đã rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách trong thời gian tới:

Thứ nhất: Để lãnh đạo, chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước, Đảng và Nhà nước phải thực hiện theo một chiến lược tổng thể, đồng bộ, cơ bản và lâu dài.

Thứ hai: Trên cơ sở cải cách cơ bản, đồng bộ nền hành chính, Đảng và Nhà nước cần xác định rõ hình thức, biện pháp với bước đi vững chắc theo lộ trình hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và chọn đúng khâu đột phá.

Thứ ba: Cần coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo làm điểm, làm thử, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, tiếp tục chỉ đạo mở rộng thực hiện đồng loạt ở các cơ quan hành chính nhà nước. Quá trình thực hiện phải thường xuyên tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để tổ chức cải cách cho các giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện cải cách hành chính nhà nước theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tỉnh Nam Định đã ban hành các văn bản làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính ở tỉnh. Nghị quyết số 04/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước là cơ sở cho các kế hoạch của UBND tỉnh ban hành và triển khai trên thực tế. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai công tác CCHC trên địa bàn: Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 12/4/2007 của UBND tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010; Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 01/10/2007 về triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 25/5/2012 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Nam Định năm 2015. Trọng tâm của cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của tỉnh là xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định (từ những năm 2001 đến nay) đạt được những thành tựu đáng kể:

- Về cải cách thể chế hành chính:

Thực hiện các chương trình tổng thể CCHC nhà nước, tỉnh Nam Định đã từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì. Đến 2013, Nam Định có 17/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện, 229/229 đơn vị cấp xã đã hoàn thành việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc rà soát văn bản QPPL của UBND các cấp cũng được tiến hành thường xuyên (năm 2009, rà soát 51.604 văn bản của UBND tỉnh và 8 huyện[5]; năm 2013, rà soát 43.338 văn bản của UBND tỉnh và 5 huyện[6]). Thực hiện đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tỉnh Nam Định đã hoàn thành đúng tiến độ (rà soát 1.376 thủ tục hành chính, các đơn vị kiến nghị giữ nguyên 510 thủ tục, đơn giản hóa 866 thủ tục bằng 63%)[7].

- Về cải cách tổ chức bộ máy:

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và số 14/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung, tránh sự chồng chéo. Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở 9 huyện và 20 phường thuộc thành phố Nam Định (theo Nghị quyết số 26/2008/QH12), tỉnh Nam Định đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Từ 1/4/2008, tổ chức bộ máy mới của tỉnh đã đi vào hoạt động: Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh gồm 17 sở (ban, ngành) với 121 phòng (ban), 11 chi cục và 43 đơn vị sự nghiệp thuộc sở (giảm 15 phòng, ban thuộc sở). Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố còn 120 phòng (ban)[8]. Trong quá trình hoạt động, tỉnh vẫn quan tâm điều chỉnh tổ chức cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:

UBND tỉnh Nam Định đã tiến hành điều tra, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy năng lực của đội ngũ. Tỉnh đã quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách động viên kịp thời cán bộ học tập nâng cao trình độ (thạc sỹ, tiến sỹ, bác sỹ và dược sỹ chuyên khoa cấp I, II). Tổ chức các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức cho các cơ quan, tổ chức của tỉnh theo kế hoạch đã xây dựng. Thường xuyên tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã.

- Về hiện đại hóa nền hành chính:

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCNN ISO 9001:2000 và TCNN ISO 9001:2008 vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Hai đơn vị đi đầu trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này là Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Nam Định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 38 đơn vị đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCNN ISO 9001:2000 và TCNN ISO 9001:2008 theo đúng yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 9001 và mô hình khung của Bộ Khoa học và Công nghệ [Báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2009, tỉnh Nam Định].

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý: 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã có trang thông tin điện tử; Sở Khoa học và Công nghệ cung cấp phần mềm ISO online; Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp phần mềm quản lý văn bản. Toàn tỉnh có 14 dịch vụ công tập trung tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông; 12 đầu cầu truyền hình trực tuyến (Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 10 đơn vị cấp huyện) rất thuận tiện và phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến các địa phương[9].

Công tác CCHC ở tỉnh Nam Định đã được triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các yếu tố của nền hành chính và đã đạt được một số kết quả quan trọng: Bộ thủ tục hành chính của tỉnh đã được công bố; việc đơn giản hóa một bước các thủ tục hành chính góp phần giảm bớt phiền hà trong giải quyết các công việc của công dân, tổ chức; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã và đang được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; nền hành chính đã từng bước hiện đại hóa... Kết quả chung của công tác CCHC nhà nước thời gian qua đã từng bước góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định phát triển xứng tầm đơn vị hành chính cấp tỉnh của quốc gia./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội VII, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật , H. 1991, tr 43

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội VIII, Nxb Chính trị Quốc gia , H. 1996, tr 131

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội IX, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2001, tr337

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội X, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2007, tr 158

[5] Báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2009, tỉnh Nam Định

[6] Báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2013, tỉnh Nam Định

[7] Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn từ 2001 đến 2010 của tỉnh Nam Định

[8] Báo cáo tổng kết thực hiện chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn từ 2001 đến 2010 của tỉnh Nam Định

[9] Báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2009, tỉnh Nam Định

(Nguồn: Phòng Khoa học - Ngày 04/9/2015)

Thông tin khác

ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI HIỆN NAY
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG QUÁ TRÌNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XHCN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
NỘI DUNG TÓM TẮT VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (Luật số 85/2015/QH13)
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG TA
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com