banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 80 năm cách mạng tháng tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025)|và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Hội thảo khoa học

CẤP LẠI GIẤY KHAI SINH - VẤN ĐỀ CHƯA ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT HỘ TỊCH

Trong Luật hộ tịch hay trước đó là Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì mục đầu tiên nội dung công việc đó là đăng ký khai sinh...

Hồ Thị Lý - Giảng viên khoa Nhà nước - Pháp luật

 

Việc Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ Nhân dân. Là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức.

Trong Luật hộ tịch hay trước đó là Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì mục đầu tiên nội dung công việc đó là đăng ký khai sinh. Thật vậy, đối với mỗi một quốc gia thì việc sinh là điều hết sức quý báu, đó là nguồn lực mà tạo hóa đã ban cho con người - duy trì giống nòi, cho nên việc đăng ký khai sinh vẫn luôn là công việc đầu tiên của mỗi văn bản quy định về hộ tịch. Hơn nữa, giấy khai sinh được coi là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Trong Luật Hộ tịch mới, việc quy định về đăng ký khai sinh đã tiến thêm một bước về đơn giản hóa thủ tục hành chính so với Nghị định 158. Tuy nhiên, trong Luật Hộ tịch lại không quy định về vấn đề cấp lại giấy khai sinh.

Nghị định 158/2005 ngoài quy định về việc đăng ký khai sinh còn quy định thêm cả việc đăng ký lại khai sinh và cấp lại khai sinh, cụ thể như sau: 

 Điều 46: “Việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại” quy định này áp dụng với cả UBND cấp xã, phường và cơ quan Sở Tư pháp có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Điều 62 quy định về trường hợp cấp lại giấy khai sinh: “Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh. Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi trước đây đương sự đã đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh”

 Như vậy hai vấn đề này tuy tính chất và thẩm quyền khác nhau nhưng tựu chung lại đều quy định việc cấp bản gốc giấy khai sinh cho một người đã thất lạc giấy khai sinh và khi giấy khai sinh bị hư hỏng. Trong khi đó, Luật hộ tịch lại không hề quy định điều này, hoàn toàn bỏ trống việc cấp lại giấy khai sinh, chỉ quy định việc cấp một bản chính khi người dân đi đăng ký và cấp bản sao trích lục theo quy định.

Theo tôi, việc Luật Hộ tịch không có quy định cấp lại bản chính giấy khai sinh sẽ gây ra một số khó khăn cho người dân. Cụ thể:

Thứ nhất, giấy khai sinh là tờ giấy đầu tiên của con người, là tấm giấy thông hành đầu tiên để mỗi đứa trẻ bước vào đời, không nên tước đi cái quyền được cấp lại bản gốc khai sinh đó. Hơn nữa, việc thi hành pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức của đất nước ta còn nhiều bất cập, làm bất cứ vấn đề gì đều yêu cầu xuất trình bản chính mặc dù đã có bản sao chứng thực, điều này vô hình chung đã gây không ít khó khăn cho người dân khi thực hiện quyền của mình.

Thứ hai, trong Luật hộ tịch chưa quy định hết những yếu tố tồn tại của lịch sử để lại. Tại rất nhiều nơi trên cả nước, việc lưu trữ hồ sơ chưa được tin học hóa, việc lưu trữ hoàn toàn thủ công, thậm chí, nếu muốn tin học hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách thì gần như là không thể vì khối lượng giấy tờ quá lớn (có nơi lưu hồ sơ hộ tịch từ 1954 trở lại đây), nguồn vốn lại không có, không có công chức chuyên trách cho việc nhập hồ sơ. Như vậy điều Điều 63Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký” sẽ chưa thể thực hiện ngay được, mặc dù điều 75 quy định “Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị làm căn cứ chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân, tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” thì công dân không thể đến cơ quan quản lý dữ liệu hộ tịch yêu cầu cấp bản sao khác nơi cư trú của công dân được, hiện tại điều này nằm ngoài khả năng của cơ quan cấp bản sao. Không chỉ giấy khai sinh không thể trích lục được mà các giấy tờ hộ tịch khác cũng không thể trích lục được.

Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hành chính nhà nước là một điều rất cần thiết. Luật Hộ tịch ra đời đã đáp ứng được nhu cầu này. Tuy nhiên, để Luật Hộ tịch thực sự đi vào cuộc sống thì cần phải có thời gian để chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới. Luật Hộ tịch hiện nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành, hi vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có những văn bản cụ thể hoá về những vấn đề này./.

 

 

 

(Nguồn: Khoa Nhà nước - Pháp luật)

Thông tin khác

TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH TRONG TRIỂN KHAI LUẬT HỘ TỊCH 2014
NHỮNG NHIỆM VỤ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH CẤP XÃ THEO QUY ĐỊNH TRONG LUẬT HỘ TỊCH NĂM 2014
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC NHÂN KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - MỐC SON LỊCH SỬ MỞ RA KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦM QUYỀN 70 NĂM QUA - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
MỐI QUAN HỆ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN Ở VIỆT NAM
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI HIỆN NAY
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG QUÁ TRÌNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XHCN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
NỘI DUNG TÓM TẮT VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (Luật số 85/2015/QH13)
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG TA
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
tapthenhatruong
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com