Hoàng Đức Hợp - Phó Trưởng khoa Lý luận
Mác - Lênin, TT HCM Đảng Cộng sản
Việt Nam - lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tư tưởng xuyên suốt trong
quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân,
vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân
dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo” và được hiến định trong Hiến
pháp, ở chương đầu tiên nói về chế độ chính trị Việt Nam, Điều 4 Hiến pháp năm
2013, ghi rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp
công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt
Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền
tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật
thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của
mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến
pháp và pháp luật”. Khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp, là sự thể hiện nguyện vọng chính đáng và
niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản, đồng thời là một bước tiến trong
xây dựng luật pháp và lập hiến trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền,
làm sáng tỏ mối quan hệ chi phối, chế ước lẫn nhau giữa chính trị và pháp luật,
thể hiện ở vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm giữa các chủ
thể: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Việc
hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp cũng như các vấn đề về
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về cơ cấu tổ chức quyền
lực Nhà nước… là xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là thực
hiện dân chủ, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo và
cầm quyền để nhân dân làm chủ bằng Nhà nước và các thiết chế xã hội ngoài Nhà
nước. Đảng lãnh đạo, cầm quyền là chính đáng, hợp hiến, hợp pháp. Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không
ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách
mạng Việt Nam.
Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ,” “nhân quyền,” “dân tộc,” “tôn giáo” hòng
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhằm thay đổi chế
độ chính trị ở nước ta. Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch hòng
đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư
tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, bác bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa,
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ca ngợi, cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, bôi
đen chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội cả trên lý luận lẫn thực tiễn.
Chúng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng chủ nghĩa
Mác-Lênin đã lỗi thời chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, chỉ phù hợp với trình độ, lực
lượng sản xuất và văn hóa Nga, hoặc cùng lắm chỉ thích hợp với nền văn minh
công nghiệp của thế kỷ XX, còn bây giờ sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin
học, kinh tế tri thức, nên đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua không phù hợp
với thế kỷ này, từ đó cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời ở Việt Nam, hoặc
cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là sản phẩm ngoại nhập của phương Tây, không thích
hợp với các nước kinh tế lạc hậu như Việt Nam, cho rằng việc du nhập chủ nghĩa
Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa
Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc. Đồng thời chúng còn xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh
cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người, chúng muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí
Minh.” Chúng phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tán dương chủ nghĩa tư
bản, cổ súy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ, coi
trọng đồng tiền. Gần đây xuất hiện một số ấn phẩm có nội dung phê phán,
phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Ở nước ngoài, các
nhóm phản động người Việt lưu vong như Diễn đàn, Thông luận cùng với "12
điều kiến nghị của một công dân" của Bùi Tín, đã truyền qua đài BBC, RFI,
chuyển về nước đòi "đổi mới triệt để," "cải tổ Đảng,"
"xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng." Nhân dịp Quốc hội phát động toàn dân góp ý kiến vào dự
thảo Hiến pháp, chúng đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đổ lỗi tình trạng khủng
hoảng và đói nghèo ở nước ta là hậu quả của chính sách cai trị độc tài dựa trên
chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng Cộng sản áp đặt trên đất nước Việt Nam. Các thế lực
chống cộng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc
biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Bằng việc vu cáo Đảng Cộng sản chiếm quyền của dân, vi
phạm dân chủ, nhân quyền, "độc đoán, đảng trị," thực hiện sự chuyên
chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng đối lập
Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân. Từ đó đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng bằng luận điệu: "từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là
then chốt của chế độ dân chủ." Bên
cạnh vấn đề “dân chủ”, chiêu bài “nhân quyền” cũng được các thế lực phản động
sử dụng để tấn công vào Đảng ta. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục An
ninh - Bộ Công an, hiện nay ở bên ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có
chương trình Việt ngữ, mạng Internet, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản
bên ngoài tập trung tuyên truyền chống phá ta. Hàng năm có hơn 3.000 tài liệu
chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán
phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp, và gần 11.000 ấn phẩm
được đưa vào bằng nhiều con đường khác. Đặc biệt, thời gian gần đây, trước thềm Đại hội Đảng
các cấp, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá cách mạng nước ta
bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình. Cùng với các hoạt động phá hoại vào nền
tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật
của Nhà nước trên các phương diện khác, chúng ra sức sử dụng các phương tiện
truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog để chuyển tải thông tin, tuyên
truyền các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc thực tế Việt Nam, kích động
để đòi đa nguyên, đa đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Các đài phát
thanh RFI, VOA, BBC liên tục phát những tài liệu, các cuộc phỏng vấn những phần
tử người Việt lưu vong ở nước ngoài để cắt xén, thổi phồng, xuyên tạc một số
tài liệu ở trong nước, dựng chuyện, nói xấu, tung tin sai lệch về một số cán bộ
cấp cao của Đảng và Nhà nước, đưa lên mạng, để phát tán rộng rãi trong xã hội
ta nhằm gây khó khăn cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong
xã hội, chúng tiếp tục phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với Nhà nước và xã hội. Việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối
với Nhà nước là phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân của Nhà
nước Việt Nam
xã hội chủ nghĩa. Tất cả các quan điểm trên, dù trực tiếp hay gián tiếp,
chúng đều là những quan điểm phản động nhằm xuyên tạc phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội, các quan điểm đó do các thế lực
thù địch muốn chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam, làm cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã
hội chủ nghĩa suy giảm… Trước tình hình đó, Đảng ta xác định, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một
nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay của Đảng, nhằm làm thất
bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần
ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố
sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu cũng như bản lĩnh cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện mục tiêu dân
giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong điều kiện hiện nay, từ thực tiễn trong nước và tình
hình quốc tế việc đấu tranh, phê phán các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau: Thứ nhất,
về mặt tư tưởng, lý luận, cần tăng cường giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh cho cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, để củng cố niềm tin
vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cần nhận
thức rõ sự khó khăn, phức tạp của công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong tình hình mới. “Đảng ta phải kiên
định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận,
tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền; về chủ nghĩa
xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao tính chiến đấu,
tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng, đổi mới công tác giáo dục lý luận
chính trị trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp”. Thứ hai,
về mặt thực tiễn, Đảng ta phải thật sự coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, làm cho Đảng thật sự là đạo đức, thật sự là văn minh. Phải làm cho Đảng
ngang tầm nhiệm vụ, phải ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng
như bản lĩnh cầm quyền. Đảng phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình
thông qua sự phát triển của đất nước, mà cụ thể là thông qua hiệu quả các chính
sách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… mà Nhà nước đang triển
khai thực hiện. Thực tế đó cho thấy, những khi Đảng và đất nước gặp
khó khăn và suy yếu thì đó là lúc xuất hiện những luồng dư luận, ý kiến hoặc
hoài nghi, hoặc công kích, phê phán Đảng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng. Vì vậy, việc Đảng ra sức xây dựng chỉnh đốn đội ngũ của mình, làm cho
Đảng trong sạch vững mạnh là hết sức quan trọng và trở nên cấp bách, là câu trả
lời xác đáng nhất để bác bỏ những quan niệm sai lầm về vai trò lãnh đạo của
Đảng. Nếu Đảng mạnh và có uy tín rộng lớn trong dân, trong xã hội, nội bộ Đảng đoàn
kết thống nhất, lãnh đạo cấp cao của Đảng vững vàng, sáng suốt về phương hướng
và bản lĩnh, quan hệ giữa Đảng với dân gắn bó mật thiết thì vai trò lãnh đạo
của Đảng sẽ giữ vững được. Điều quan trọng, cốt tử nhất là ý Đảng thuận với
lòng dân. Có sự ủng hộ, giúp đỡ của dân, của toàn dân tộc thì không khó khăn
nào không thể vượt qua. Ngày nay, các thế lực thù địch vẫn không từ một thủ
đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống
phá Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh chống quan điểm sai trái là một nhiệm
vụ tất yếu mà chúng ta cần làm và nhất định phải làm thật tốt trong giai đoạn
hiện nay. Đấu tranh chống quan điểm sai trái phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội, cũng chính là sự khẳng định
lập trường, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về mục tiêu xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trước
những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ đó củng cố nhận thức
chính trị, niềm tin, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách mạng tới
thắng lợi hoàn toàn./. |