banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Hội thảo khoa học

MỐI QUAN HỆ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN Ở VIỆT NAM

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng, trở thành nhân tố chủ yếu, có tính quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng...

Hoàng Đình Trung - Phó Giám đốc

 

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng, trở thành nhân tố chủ yếu, có tính quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng. Sau khi lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, thành lập nước (2-9-1945), Đảng CSVN trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Khi đó, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước được khẳng định là một nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng và của cả hệ thống chính trị ở nước ta. Đảng là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó xây dựng Nhà nước pháp quyền như một chủ trương được đặt ra gần như đồng thời với quá trình đổi mới đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định “Quản lý nhà nước bằng pháp luật, chứ không phải bằng đạo lý”, “phải quan tâm xây dựng pháp luật; từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật”. Trước yêu cầu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Đảng cần phải nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Thực tiễn chính trị trên thế giới cho thấy, mọi sự bất ổn về chính trị của các quốc gia, dân tộc hiện nay xuất phát phát từ một nguyên nhân quan trọng đó là việc giải quyết chưa đúng mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước.

Tuy nhiên, cho tới nay, xét về mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước nói riêng và các bộ phận trong hệ thống chính trị ở nước ta nhìn chung mới dừng lại ở nguyên tắc cơ bản cả về phía Đảng và Nhà nước. Về phía Đảng, các nguyên tắc chung chưa được cụ thể hóa thành các quy tắc, quy định cụ thể trong Đảng, trong Điều lệ Đảng để tổ chức thực hiện. Về phía Nhà nước, cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước cũng chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ thành các đạo luật, các văn bản dưới luật, Chính vì vậy, trong thực tiễn, hàng loạt vấn đề đặt ra cần được giải quyết như: Đảng lãnh đạo công tác cán bộ đối với Nhà nước như thế nào? Phạm vi lãnh đạo đến đâu để không trái với nguyên tắc thể chế Nhà nước và quyền dân chủ của nhân dân? Đảng lãnh đạo nhà nước thì trách nhiệm của Đảng trước hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước như thế nào? Trên thực tế, tình trạng Đảng bao biện làm thay, lấn sân và can thiệp sâu vào các công việc quản lý của Nhà nước, hoặc buông lỏng sự lãnh đạo diễn ra khá phổ biến, chậm được khắc phục, tình trạng đó càng xuống dưới thể hiện càng rõ hơn. Từ đó, làm suy yếu năng lực lãnh đạo của Đảng, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đặc biệt là tính pháp quyền của Nhà nước. Để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước để không rơi vào tình trạng Đảng lạm quyền, lấn át Nhà nước, trái lại phải phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Song cũng không hạ thấp, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Để thực hiện được yêu cầu trên, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, cần phải minh định và tiến tới luật hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Trong điều kiện trở thành Đảng cầm quyền, Nhà nước trở thành công cụ quan trọng nhất để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo đối với xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà nước làm công cụ lãnh đạo của Đảng đặt ra vấn đề lý luận trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý. Trong quan hệ đó phải xác định: Đảng cầm quyền như không thể đồng nhất Đảng với chính quyền, Đảng không thể tự biến mình thành nhà nước, mà phải thông qua bộ máy nhà nước, thông qua những cán bộ của mình đã được nhân dân ủy quyền để thực hiện sự lãnh đạo. Đảng không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước mà chỉ lãnh đạo việc thực hiện quyền lực ấy thông qua bộ máy nhà nước. Đây là sự khác biệt căn bản nhất giữa Đảng cầm quyền trong nhà nước pháp quyền so với đảng cầm quyền dưới chế độ đảng trị cần nhận thức đầy đủ.

            Một lẽ tất yếu khách quan, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, quyền lực của Đảng phải được quy định bởi pháp luật. Do vậy, đã đến lúc cần nghiên cứu và xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đạo luật này phải xác định rõ ranh giới pháp lý giữa chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Nhà nước, cũng như trách nhiệm, thẩm quyền của từng chủ thể. Một nguyên tắc cần phải tính đến khi xây dựng bộ luật là khi giao quyền lực cho chủ thể nào thì phải gắn cho chủ thể đó một trách nhiệm tương ứng với quyền lực được giao. Quyền lực càng cao, trách nhiệm phải càng lớn. Đồng thời phải bảo đảm yếu tố kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả, tránh tình trạng lạm quyền do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Phải bảo đảm cơ chế kiểm soát từ phía nhân dân đối với hoạt động của Đảng và đảng viên.

            Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước theo hướng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính thực quyền của nhà nước trong quản lý xã hội. Bên cạnh những tiến bộ đáng kể đã đạt được hơn 30 năm đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước còn những yếu kém, tình trạng đảng can thiệp quá sâu vào công việc Nhà nước chưa được hạn chế đúng mức. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên là đòi hỏi cấp bách trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải chú ý; mục tiêu cao nhất của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải đồng thời với phát huy tính thực quyền, chủ động và sáng tạo của Nhà nước, của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối phát triển đất nước do đảng đưa ra; đổi mới phải tiến hành đồng bộ với việc đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; phải bảo đảm Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng phương pháp dân chủ.

            Thứ ba, Đảng phải lãnh đạo và cầm quyền trên cơ sở pháp luật. Một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền là pháp luật ngự trị tối cao trong đời sống xã hội. Pháp luật của Nhà nước không chỉ là công cụ quản lý của nhà nước, mà còn  là phương tiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đối với xã hội và kiểm soát quyền lực nhà nước. Dưới sự ngự trị của pháp luật, không một cá nhân nào, dù là người đứng đầu quốc gia hay dân thường; không một tổ chức nào dù là đảng cầm quyền hay nhà nước được đứng trên pháp luật, vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Đối với một đảng cầm quyền, pháp luật là phương thức tốt nhất để Đảng đưa chủ trương, đường lối của mình vào đời sống thực tiễn và đảm bảo vai trò lãnh đạo. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo, nhưng lại là một bộ phận trong hệ thống chính trị. Do vậy, mọi tổ chức và hoạt động của Đảng phải tuân thủ, thậm trí phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành pháp luật. Chúng ta hướng đến các giá trị pháp quyền và để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền thì Đảng phải lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật.

            Như vậy, vấn đề đặt ra ở nước ta hiện nay là Đảng CSVN lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền có gì mâu thuẫn không? Sự lãnh đạo của Đảng thế nào để vừa thực hiện được các mục tiêu chính trị của Đảng, vừa xây dựng được Nhà nước pháp quyền XNCN. Điều đó phụ thuộc trước hết vào việc nhận thức và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước luôn là một vấn đề phức tạp nhất, tế nhị nhất và có tính then chốt đòi hỏi phải thực sự thận trọng và có quyết tâm chính trị cao trong nhận thức cũng như trong thực tiễn./.

(Nguồn: Phòng Khoa học - Ngày 04/9/2015)

Thông tin khác

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI HIỆN NAY
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG QUÁ TRÌNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
XÂY DỰNG BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XHCN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
NỘI DUNG TÓM TẮT VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (Luật số 85/2015/QH13)
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG TA
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com