banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Hội thảo khoa học

NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XHCN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là Nhà nước có bản chất tốt đẹp mà ở đó những giá trị cao quý của con người được thừa nhận, bảo vệ...

                           Cao Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu

            Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là Nhà nước có bản chất tốt đẹp mà ở đó những giá trị cao quý của con người được thừa nhận, bảo vệ. Trên thế giới, vấn đề NNPQ đã được đề cập đến nhiều. Ở Việt Nam, NNPQ là vấn đề còn mới. Với những ưu việt của NNPQ, chúng ta khẳng định xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam là con đường phát triển tất yếu phù hợp xu thế chung của thời đại, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới.

Trong NNPQ, yếu tố không thể thiếu là pháp luật. Pháp luật trong Nhà nước nói chung, Nhà nước XHCN Việt Nam nói riêng là công cụ hữu hiệu nhất đảm bảo quản lý hiệu quả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định. Để quản lý Nhà nước hiệu quả, hệ thống pháp luật phải hoàn thiện. Vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh các quan hệ xã hội là một tư tưởng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Đánh giá mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật chúng ta căn cứ vào tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và trình độ kỹ thuật pháp lý của hệ thống pháp luật

            Tính toàn diện đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có đủ các ngành luật theo cơ cấu nội dung lôgic và thể hiện thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương ứng. Mỗi ngành luật phải có đủ các chế định pháp luật và các quy phạm pháp luật.

            Tính đồng bộ thể hiện sự thống nhất của hệ thống pháp luật: đó là đồng bộ giữa các ngành luật với nhau; không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi ngành, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau.

Tính phù hợp thể hiện sự tương quan giữa trình độ của hệ thống pháp luật với trình độ phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống pháp luật phải phản ánh đúng trình độ phát triển của kinh tế xã hội, nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển đó. Tính phù hợp thể hiện nhiều mặt. Khi xem xét tiêu chuẩn này cần chú ý đến các mặt và giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm xã hội khác.

Hệ thống pháp luật hoàn thiện còn phải được xây dựng ở trình độ kỹ thuật pháp lý cao.

Để xây dựng NNPQ XHCN, chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN. Pháp luật phản ánh lợi ích chung của cộng đồng, pháp luật tồn tại vì con người, bảo vệ con người. Nhà nước bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp. Trong xã hội dân sự tự do, dân chủ, bình đẳng, quyền lực nhà nước được tổ chức khoa học, hợp lý; các giá trị cao quý của con người được pháp luật bảo vệ.

Quan điểm về xây dựng NNPQ mới được thừa nhận trong văn bản của Đảng và Nhà nước ta nhưng tư tưởng về NNPQ trong lịch sử đã hình thành từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Vesailles 1919 do Người khởi thảo gồm tám điểm, trong đó điểm thứ hai là: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người dân bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu” và điểm thứ bảy là: “thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”[1]. Sau này trong bài diễn ca với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca (1922) phản ánh yêu sách tám điểm bằng lối thơ để dễ phổ biến, Hồ Chí Minh viết:

“…

Hai xin pháp luật sửa sang

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[2]

Như vậy yêu cầu có pháp luật trong Nhà nước để bảo vệ sự tự do, bình đẳng cho con người được thể hiện trong tư tưởng của Người ngay trong quá trình tìm đường cứu nước.

            Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam). Đây là cơ sở cho việc ra đời văn bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, cũng là cơ sở cho việc hình thành NNPQ ở Việt Nam.

            Như vậy tư tưởng về NNPQ đã hình thành trong tư tưởng của Bác, của Đảng và trong hình thức tổ chức Nhà nước ta, song thuật ngữ NNPQ được chính thức ghi nhận trong văn bản phải đến Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1994) và các văn bản của Đảng, Nhà nước sau này. Xây dựng NNPQ XHCN là xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong NNPQ phải có dân chủ, pháp luật, nhân quyền. Xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị; hệ thống pháp luật phải hoàn thiện để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Để khắc phục tình trạng trên, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

            * Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

* Để đạt được điều đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng là:

- Thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hoá - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

- Phát huy cao độ nội lực, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hoà bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của hệ thống pháp luật.

- Phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.

- Tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, với những bước đi vững chắc; coi trọng số lượng và chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; dự tính đầy đủ các điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành của pháp luật.

* Chủ trương định hướng của Đảng thể hiện như sau:

Thứ nhất, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Thứ hai, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Thứ ba, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội.

Thứ năm, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ sáu, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế.

* Các giải pháp về xây dựng pháp luật:

- Xác định các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật. 

- Đổi mới cơ bản quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật. 

- Nâng cao trình độ và năng lực làm luật của Quốc hội. 

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật.

- Hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật. 

- Hoàn thiện pháp luật về Công báo, bảo đảm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, văn bản hành chính có hiệu lực áp dụng chung đều được công bố trên Công báo một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác.

- Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là đòi hỏi khách quan trong xây dựng NNPQ, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Định hướng xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam có tính hiện thực hay không phụ thuộc vào các tổ chức chính trị, bộ máy Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Trường Chính trị Trường Chinh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định. Với chức năng là tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho tỉnh, trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam, thực hiện pháp luật…; tham mưu cho tỉnh trong công tác xây dựng văn bản về chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh nhà; tham gia đóng góp ý kiến trong các dự thảo pháp luật, góp phần vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật… góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Cùng với tiếng nói chung của cả nước, Hội thảo hôm nay với mục đích ôn lại truyền thống vẻ vang của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, kỷ niệm 70 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin góp tiếng nói và tin tưởng rằng quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đang diễn ra hiện nay góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam./.



[1] HCM toàn tập, tập 1. Sđd H, 2000, tr435-436

[2] HCM toàn tập, tập 1. Sđd H, 2000, tr 438

(Nguồn: Phòng Khoa học - Ngày 04/9/2015)

Thông tin khác

NỘI DUNG TÓM TẮT VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (Luật số 85/2015/QH13)
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG TA
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com