banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Hội thảo khoa học

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG TA

Là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, Nhà nước pháp quyền đã trở thành một giá trị văn minh của nhân loại. Thừa nhận bản chất tiến bộ và khoa học của học thuyết về Nhà nước pháp quyền hiện nay nhiều nước trên thế giới đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ...

                                                                            Nguyễn Thị Thu Hường

                                                                 Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật

             Là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, Nhà nước pháp quyền đã trở thành một giá trị văn minh của nhân loại. Thừa nhận bản chất tiến bộ và khoa học của học thuyết về Nhà nước pháp quyền hiện nay nhiều nước trên thế giới đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ). Tuy nhiên dựa trên những đặc trưng cơ bản của NNPQ mỗi quốc gia phải tự tìm tòi và đưa ra được các mô hình xây dựng Nhà nước phù hợp với điều kiện của riêng mình. Cùng với xu thế chung đó Việt Nam đang trong quá trình xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đó là một quá trình đúc kết, kế thừa, vận dụng tư tưởng về NNPQ trong lịch sử tư tưởng nhân loại, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Quá trình nhận thức của Đảng ta về NNPQ xã hội chủ nghĩa (NNPQXHCN) của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân luôn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một Nhà nước Việt Nam hợp hiến, hợp pháp. Chính vì vậy ngay từ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã nêu rõ 6 nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng NNPQ đó là: tiến hành tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp dân chủ. Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong tư tưởng của Bác là Nhà nước do nhân dân làm chủ, Nhà nước là cơ quan đại diện được nhân dân trao quyền để thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân.  Theo Người trong NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thì pháp luật phải được đề cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh quyền tự do dân chủ của nhân dân nhưng luôn luôn gắn với kỷ luật: “Nhân dân hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình nhưng phải tôn trọng tự do của người khác”. Người còn nhấn mạnh: NN PQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là Nhà nước luôn bảo vệ và phát triển quyền con người. Nhưng quyền con người theo Bác không chỉ là quyền cá nhân mà cao hơn là quyền bình đẳng dân tộc, độc lập dân tộc. Bảo vệ quyền con người luôn là mục đích cao nhất của NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cán bộ, công chức phải là “công bộc” của nhân dân, có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Người nói: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập ấy cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Những ý tưởng về việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân cũng được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng ta từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tuy nhiên, những ý tưởng đó chưa được hiện thực hóa trong hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ. Đến khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công - kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước - Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước công nông đã ra đời thì những ý tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân được thực hiện từng bước và ngày càng hoàn thiện trong quá trình xây dựng và phát triển.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II năm 1951, Đảng ta đã xác định rõ: “Chính quyền là của dân, do dân”. Đó là Nhà nước thể hiện ý chí, quyền lực, lợi ích của nhân dân. Vì mục tiêu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Đảng ta đi đến khẳng định: “Cho nên mặc dầu ở địa vị nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải dính liền đến nhân dân, căn cứ vào nhân dân mà định chủ trương và thi hành chủ trương. Chủ trương sai hay đúng, thi hành được hay không là do chúng ta sát hay không sát với nhân dân”.

Văn kiện Đại hội II cũng xác định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa căn bản là một nước cộng hòa nhân dân”. Vì lẽ đó, chính quyền nhà nước dân chủ nhân dân phải thể hiện: “một chính quyền, một Nhà nước cách mạng do giai cấp công nhân và chính Đảng của nó lãnh đạo”. Tuy nhiên, Đại hội II cũng nhận định rằng, chính quyền của ta “chỉ biết dùng mệnh lệnh mà giải quyết mọi vấn đề với dân. Không chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh này thì các Hội đồng nhân dân cũng chẳng qua là hình thức dân chủ, có vỏ mà không có ruột”. Hiện nay, bệnh quan liêu mệnh lệnh đã khá nặng trong các tổ chức chính quyền của ta từ trên xuống dưới. Nếu không chỉ mặt, vạch trán nó, nêu tất cả tệ hại của nó để đánh lui nó, tiêu diệt nó thì nó còn phát triển và làm hại nhiều hơn.

Những ý tưởng về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân của Đảng ta đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946 và ngày càng được thể hiện rõ nét hơn và phù hợp hơn với từng giai đoạn, nhiệm vụ cách mạng cụ thể trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980. Những bản Hiến pháp này luôn đề cao các nguyên tắc về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch trong xây dựng và thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân gắn liền với quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xuất phát từ những tiền đề kinh tế - xã hội và yêu cầu của đất nước cũng như những tác động của xu thế hội nhập quốc tế.

* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra chủ trư­ơng “cải cách lớn” bộ máy nhà nước để đáp ứng yêu cầu của đường lối đổi mới (nhưng chưa đề cập đến khái niệm NNPQ).

* Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII lần đầu tiên xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Từ đây, xây dựng Nhà nước pháp quyền trở thành chủ trương có tầm chiến lược, bao trùm toàn bộ quá trình và nội dung đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước.

* Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII là Hội nghị chuyên đề về nhà nước. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền được coi là một trong 5 nguyên tắc xây dựng Nhà nước và gắn với yêu cầu tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, nâng cao đạo đức XHCN.

* Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII cũng nhắc lại 5 quan điểm và các nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước. Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII chỉ rõ: “Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm”

* Văn kiện Đại hội lần thứ IX xác định “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng” là nhiệm vụ bao trùm.

* Văn kiện Đại hội Đảng X tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, chỉ rõ những đặc điểm của Nhà nước pháp quyền XHCN và xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay trên cơ sở kế thừa, tiếp thu tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền.

* Văn kiện Đại hội Đảng XI: Đề cập toàn diện việc đẩy mạnh xây dựng NNPQ XHCN.

2. Đảng ta xác định NNPQ  XHCN Việt Nam có những đặc trưng cơ bản sau:

- Là Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

- Là Nhà nước tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Là Nhà nước được tổ chức, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội.

            - Là Nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trách nhiệm giữa nhà nước và công dân, thực hành dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

- Là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

- Là Nhà nước thực hiện đường lối hoà bình, hữu nghị với nhân dân và các nước trên thế giới trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi; đồng thời tôn trọng và cam kết thực hiện các công ước, điều ước, hiệp ước quốc tế đã tham gia ký kết, phê chuẩn.

Để tiếp tục xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào những phương hướng sau:

- Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.

            Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu, phương hướng bao trùm trong xây dựng NNPQ ở nước ta hiện nay.

Trong xây dựng nhà nước:

+ Nhân dân bầu các cơ quan đại diện; tham gia xây dựng, đánh giá chính sách pháp luật và quản lý nhà nước; có quyền giám sát, chất vấn, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu công khai, thanh tra kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức.

            + Qua hình thức: dân chủ trực tiếp và gián tiếp.

            Trong quản lý xã hội:

Thông qua các thể chế đã được ban hành, tự nguyện hoặc thông qua các tổ chức thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn, xây dựng nếp sống văn minh...

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.

            Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định là yêu cầu khách quan và cấp bách hiện nay.

Yêu cầu chung là: Xây dựng, hoàn thiện cả nội dung và hình thức của hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có tính ổn định đảm bảo tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội đều được trực tiếp điều chỉnh bằng luật và bộ luật nhằm phát huy vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong phát triển kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng bảo đảm định hướng XHCN và phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong một nhà nước pháp quyền điều quan trọng hơn là đảm bảo cho các quy định của pháp luật phải được thi hành trên thực tế. Muốn vậy phải đẩy mạnh các hoạt động tổ chức, thực hiện pháp luật mà trước hết là công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích, hướng dẫn thực hiện pháp luật; mở rộng các hoạt động dịch vụ và tư vấn pháp lý trong xã hội. Chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch và thi hành án.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

            Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội đó là chức năng lập pháp, chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phát huy vai trò, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu trong đó việc đảm bảo chất lượng của đại biểu Quốc hội phải được đưa lên hàng đầu.

Tiếp tục kiện toàn các cơ quan của Quốc hội, nâng cao vai trò của các uỷ ban và Hội đồng dân tộc.

Tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với nhân dân bằng cách thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân biết về những việc Quốc hội bàn và quyết định.            Đảm bảo tốt các điều kiện để Quốc hội hoạt động.

-  Cải cách nền hành chính nhà nước.

Cải cách nền hành chính nhà nước để đến năm 2020 cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chế độ tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công.

- Đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Tư pháp là một nội dung quyền lực Nhà nước, trong đó các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật để phát hiện, xem xét đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các sự kiện, các tranh chấp pháp luật để đưa ra các phán quyết đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền cải cách tư pháp để hướng tới việc thực hiện triệt để các nguyên tắc khi thực hiện quyền tư pháp như: khách quan, vô tư, công bằng, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và trước các cơ quan tố tụng…

-  Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Trong NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải đáp ứng những yêu cầu sau: Có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, mẫn cán, tự giác thực hiện chính sách, pháp luật và các quy định về đạo đức công vụ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

- Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy Nhà nước.

Để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác trong bộ máy Nhà nước cần phải:

+ Đánh giá đúng thực trạng và kết quả đấu tranh với bệnh quan liêu, tham nhũng.

+ Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, quan điểm, thái độ đối với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống quan liêu, tham nhũng.

- Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trong điều kiện xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Cần phải nhận thức đúng đắn tính tất yếu, khách quan của việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của Đảng và mục đích lý tưởng đấu tranh của Đảng Cộng sản, xuất phát tự thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân phải bao quát toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước.

4. Trường Chính trị Trường Chinh - nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho toàn tỉnh đã tích cực triển khai nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đặc biệt là phương hướng xây dựng NNPQ.

- Đảng uỷ nhà trường quán triệt sâu sắc nội dung lý luận về NNPQ XHCN qua việc triển khai học tập nghị quyết của Đảng đến từng cán bộ, đảng viên. Yêu cầu vận dụng lý luận về NNPQ XHCN vào nội dung bài giảng của từng giảng viên vì trong hầu hết các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà nhà trường đảm nhiệm đều có những nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường nói chung và hàng nghìn lượt học viên về NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

- Đối với từng đơn vị khoa, phòng, từng cán bộ, giảng viên đã chủ động, tích cực nâng cao nhận thức về NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và tích cực thực hiện các phương hướng trong xây dựng NNPQ XHCN. Các phong trào do nhà trường phát động đều tập trung vào việc thực hiện các phương hướng này:

+ Việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường được đảm bảo như việc thông tin và giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường  đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thông qua hội nghị với cán bộ chủ chốt hoặc hội nghị với toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường Ban Giám đốc đã huy động được sự quan tâm, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, quyết định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác của nhà trường góp phần phát huy trí tuệ tập thể và nâng cáo chất lượng giảng dạy, phục vụ trong nhà trường.

+ Nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị cũng như đạo đức cách mạng để đáp ứng yêu cầu hiện nay góp phần vào việc thực hiện phương hướng xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

+ Phong trào đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác trong nhà trường đã được chú ý và đem lại kết quả nhất định. Trong nhiều năm liền Đảng bộ nhà trường luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, không có biểu hiện quan liêu, tham nhũng cùng những tiêu cực khác. Nhà trường luôn là một khối đoàn kết, thống nhất, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 Xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là yêu cầu khách quan, cấp bách đòi hỏi quá trình phấn đấu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Với quá trình nhận thức liên tục và sáng tạo, vận dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước Việt Nam đang từng bước xây dựng thành công NNPQ XHCN Việt Nam thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.







(Nguồn: Phòng Khoa học - Ngày 04/9/2015)
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com