Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[1]. Xác định đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất"[2]. Đạo đức ấy được thể hiện ở các phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, nhân dân và cách mạng giao phó.
Để xây dựng đạo đức cách mạng, cùng với việc đúc kết thành lý luận đạo đức nhằm chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xác định những nguyên tắc và phương châm để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng và cho việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi con người. Cụ thể:
Thứ nhất, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, bền bỉ suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng. Theo Bác: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"[3]. Do vậy, nếu không thường xuyên rèn luyện thì lúc khó khăn, gian khổ có thể vượt qua, có công với cách mạng, nhưng đến khi an nhàn lại xa vào chủ nghĩa cá nhân trở thành con người ngăn cản cách mạng. Chính vì lẽ đó, việc tu dưỡng đạo đức phải thường xuyện, suốt đời, gắn với thực tiễn bền bỉ trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người và đó là đạo đức của những con người được giải phóng. Tu dưỡng đạo đức phải xuất phát từ lương tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, hướng đến mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được giặc trong lòng thì không thể có đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh viết: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần phải chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”[4].
Thứ hai, nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.
Đạo làm gương là một nét đẹp của văn hóa phương Đông. Khi ca ngợi đạo đức của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng: “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[5]. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tiễn nhưng điều quan trọng nhất về mặt đạo đức là lấy hiệu quả làm thước đo. Người chỉ rõ: "... Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức"[6].
Chủ tịch Hồ chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải làm gương ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau. Nhân dân ta thường nói: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Trong mọi biểu hiện nêu gương thì người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ một vai trò rất quan trọng. Muốn hướng dẫn cấp dưới và nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Thứ ba, xây đi đôi với chống:
Là con người, mỗi đảng viên và cán bộ ai cũng có tính tốt và tính xấu. Trong Đảng và mỗi cán bộ, vì những lý do khác nhau, “không phải người người đều tốt, việc việc đều hay”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa”[7]. Nhiều khi có những đảng viên “phớt qua phép luật, trốn tránh và làm trái phép luật. Về điểm này những người ngoài Đảng cẩn thận hơn. Vì đảng viên thường xem phép luật, chính quyền, v.v., là việc trong nhà. Vì vậy, có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hi sinh lợi ích của Nhà nước, để lên mặt mình là khảng khái”[8].
Trong đấu tranh cách mạng, chúng ta thường xuyên phải chống lại ba kẻ địch: bọn đế quốc là bọn địch rất nguy hiểm; thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to lớn; loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, “đạo đức cách mạng” là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”[9]. Quan trọng nhất là đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình.
Chống và xây phải đi liền với nhau. Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Trong mối quan hệ giữa xây và chống, cần nhận thức chống cũng nhằm xây, đi liền với xây nhưng xây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về những nguyên tắc xây dựng Đảng mới, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng đến xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và đã đạt được những kết quả nhất định. Phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Họ luôn tu dưỡng đạo đức, sống cần, kiệm, liêm, chính, làm việc chí công vô tư; không công thần, không lo kèn cựa chế độ đãi ngộ; không quan liêu, kiêu ngạo, tham ô, tham nhũng, lãng phí, chạy tuổi, chạy bằng cấp; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; luôn nghiêm khắc, thường xuyên tự phê bình và phê bình... để ngày càng tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. Điều đáng lo ngại là những sai phạm của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ấy, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã bị đưa ra xét xử, đưa ra khỏi Đảng gần đây không những làm thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra…. Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức…”.
Nguyên nhân của những hạn chế có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt các nguyên tắc trong xây dựng đạo đức mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thường xuyên phổ biến, quán triệt, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, coi trọng học tập và thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mạnh dạn đưa ra khỏi tổ chức những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi lĩnh vực công tác và trong cuộc sống. Trong đó, mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải nêu gương về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm, cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít...; xây đi đôi với chống, trong xây có chống và ngược lại, xây dựng và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp gắn liền với chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người tùy chức năng, nhiệm vụ được giao phải tận tâm, tận lực thực hiện đúng và tốt chức trách được giao; đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo, tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám “cả quyết sửa lỗi mình; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống.
Bốn là, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc phải làm thường xuyên, liên tục, suốt đời; là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống và đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, việc rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Quá trình rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ với tổ chức và cá nhân, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; phải được sự theo giám sát của cấp ủy, của nhân dân trên tinh thần: dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Năm là, gắn chặt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền gắn với đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và ngược lại. Đảng ta chỉ rõ: “Tham nhũng và suy thoái về chính trị cũng như đạo đức đang trở thành vật cản lớn cho thành công của sự nghiệp đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là biện pháp rất cơ bản để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và là vấn đề sống còn của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có 24 năm đứng đầu Nhà nước, song với Người - đó chỉ là nhận sự ủy thác của nhân dân để tận tâm, tận lực cống hiến. Tấm gương của vị lãnh tụ xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng và hành động, “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã hấp dẫn, quy tụ được đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân xung quanh mình và ngời sáng cho muôn đời các thế hệ con cháu mai sau suy ngẫm, học tập, noi theo./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 5 tr.252-253.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 9, tr.285.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.11, tr.612.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.12, tr.222.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 1, tr.284
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.6, tr.16.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.5, tr.303.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.7, tr.368.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011, t.11, tr.606.
|