Nguyễn Thị Thu Lan - Giảng
viên khoa Nhà nước - Pháp luật
Hộ tịch là những vấn đề cơ bản xác định
tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Nhà nước quản
lý hộ tịch nhằm theo dõi thực trạng và sự biến đổi về hộ tịch, trên cơ sở đó
bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời góp phần xây dựng
các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và dân số kế hoạch hóa
gia đình phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.
Xét từ phương diện khoa
học quản lý nhà nước quản lý hộ tịch có vị trí trung tâm của hoạt động quản lý
dân cư. Đây là một lĩnh vực quan trọng của nền hành chính mà mọi quốc gia đều
phải quan tâm. Sự vững mạnh của một quốc gia liên quan mật thiết với hiệu quả
của hoạt động quản lý dân cư nói chung và quản lý hộ tịch nói riêng. Vì vậy,
quản lý hộ tịch phải được điều chỉnh bằng một đạo luật do Quốc hội ban hành.
Trước yêu cầu đó, Luật Hộ tịch đã được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ VIII ngày 20/11/2014,
gồm 7 chương và 77 Điều, nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp sđ năm 2013 về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp.
Trong các
chương trình giảng dạy của Khoa Nhà nước - pháp luật có nhiều bài giảng liên
quan tới nội dung hộ tịch như:
- Chương
trình TCCT- HC: bài “Nội dung cơ bản một số ngành luật trong hệ thống pháp luật
Việt Nam” (Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình..); bài “Pháp luật thực hiện
dân chủ ở cơ sở”; bài “Quản lý hành chính - tư pháp ở cơ sở”...
- Chương
trình trung cấp Luật: Môn luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, môn Công tác
hộ tịch…
Vì vậy việc nghiên cứu, cập nhật những quy định mới của Luật Hộ tịch để áp dụng vào mỗi nội dung cụ thể của bài giảng là hết sức quan trọng cần thiết.
Tham gia Hội thảo Khoa học của Khoa
Nhà nước - pháp luật tôi có bài tham luận với nội dung: “QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÍ SỰ KIỆN HỘ TỊCH VÀ THẨM QUYỀN CỦA
CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH CẤP XÃ ”.
* Quy định về
đăng kí hộ tịch:
Có nhiều quy định mới mang tính đột phá trong
đăng ký hộ tịch. Cụ thể:
- Về
thẩm quyền đăng ký hộ tịch:
+ Luật mở rộng quyền lựa chọn của cá
nhân khi đăng kí sự kiện hộ tịch. Trước đây, theo quy định tại Nghị định
158/2005/ NĐ-CP của Chính phủ về Đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc đăng ký
hộ tịch phải được thực hiện tại UBND nơi đăng ký thường trú, nếu
không có nơi đăng ký thường trú thì mới thực hiện tại nơi đăng ký
tạm trú. Theo quy định của Luật Hộ tịch tại Điều 4 thì cá nhân có
thể lựa chọn 1 trong 3 nơi để đăng ký hộ tịch, gồm nơi đăng ký hộ
khẩu thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
VD: Về thẩm
quyền đăng ký khai sinh của cấp xã: Cá nhân được lựa chọn nơi
đăng ký của cha hoặc của mẹ, chứ không bắt buộc phải đăng ký khai
sinh theo nơi cư trú của người mẹ như Nghị định 158 về nội dung giấy
khai sinh. Luật bổ sung thêm thông tin số định danh cá nhân của
người được đăng ký khai sinh.
+ Thẩm quyền đăng
ký thay đổi, cải chính hộ tịch: Theo Nghị định 158 thì UBND cấp
xã, cấp huyện nơi đã đăng ký khai sinh trước đây mới có thẩm quyền giải
quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi (cấp xã), đủ 14
tuổi trở lên (cấp huyện). Còn theo Luật Hộ tịch thì không chỉ UBND
cấp xã, huyện nơi đã đăng ký trước đây mà UBND cấp xã, huyện nơi cá
nhân cư trú cũng có thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch.
+ Tăng thẩm quyền cho UBND cấp xã trong việc đăng ký khai sinh cho
trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại
khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại
khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt
Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú
ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định
lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. Trước đây, thẩm quyền thực
hiện các việc trên thuộc Sở Tư pháp.
+ Chuyển giao thẩm quyền đăng ký các sự kiện hộ tịch và ghi vào sổ
hộ tịch các sự kiện khai sinh, khai tử, kết hôn…có yếu tố nước
ngoài từ Sở Tư pháp sang UBND cấp huyện.
- Cách thức nộp hồ
sơ hộ tịch: Theo Nghị định 158 và Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi
bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia
đình và chứng thực thì: Việc nộp hồ sơ được thực hiện trực tiếp
hoặc qua đường bưu điện. Để thuận lợi hơn cho người dân cũng như đẩy
mạnh cải cách hành chính thì tại Điều 9 Luật Hộ tịch quy định
ngoài 2 hình thức trên thì cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tuyến.
- Lệ phí hộ
tịch: Luật quy định cụ thể các trường hợp được miễn lệ phí hộ
tịch, gồm: Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng;
người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật; Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn,
giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
- Về sổ hộ tịch: Luật hộ tich quy định các sự kiện hộ tịch chỉ đăng
kí vào 01 sổ hộ tịch giấy, sau đó cán bộ tư pháp hộ tịch phải lưu các nội dung
đã ghi trong sổ giấy vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ
tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các Bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin
cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính
cho người dân (trước đây Nghị định 158 quy định chế độ lưu 2 sổ giấy về hộ
tịch).
Quy định như vậy một mặt sẽ khắc phục được tình trạng không thống nhất
về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong các cơ sở dữ liệu có
liên quan và mặt khác là sự cải cách đáng kể thủ tục hành chính, đơn giản hóa
giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
- Về cấp trích lục
hộ tịch: Theo quy định của Nghị định 158 thì khi công dân đăng ký hộ
tịch thì cơ quan có thẩm quyền cấp 01 bản chính, còn bản sao cấp
theo yêu cầu của công dân chứ không bắt buộc phải cấp. Còn theo Luật
Hộ tịch thì: Khi đăng ký hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch cấp 01 bản chính
trích lục hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch, trừ việc đăng ký khai
sinh, đăng ký kết hôn và bản chính trích lục hộ tịch được chứng thực bản sao.
Luật Hộ tịch đã
bỏ quy định về đăng ký lại khai sinh, cấp lại bản chính giấy
khai sinh. Trường hợp cá nhân muốn có các giấy tờ hộ tịch trên thì
làm thủ tục để được cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ
tịch đã đăng ký.
- Luật quy định việc ứng dụng mạnh
mẽ công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Chẳng hạn tới đây
khi đăng ký khai sinh thì ngoài việc được cấp Giấy khai sinh, người được đăng
ký khai sinh đồng thời được cấp Số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là
số được cấp cho mỗi cá nhân, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là
số Thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. Như vậy, với việc cấp số định
danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai sinh chắc hẳn sẽ cao,
tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh, tùy tiện cải chính ngày tháng
năm sinh sẽ không còn cơ hội để tồn tại nữa.
*
Thẩm quyền của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã
Cán bộ Tư pháp hộ tịch
là công chức cấp xã, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Đối với những xã, phường, thị trấn có
đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều, thì phải có cán bộ chuyên trách
làm công tác hộ tịch, không kiêm nhiệm các công tác tư pháp khác.
Trong lĩnh
vực hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có một số nhiệm vụ mới so với
quy định trước đây :
+ Tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan về
hộ tịch;
+ Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp xã và
pháp luật về việc đăng ký hộ tịch;
+ Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp
hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;
+ Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch kịp
thời, chính xác, khách quan, trung thực; cập nhật đầy đủ các sự kiện hộ
tịch đã được đăng ký vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử;
+ Chủ động kiểm tra, rà soát để đăng ký kịp thời
việc sinh, tử phát sinh trên địa bàn;
+ Đối với địa bàn dân cư không tập trung, điều kiện
đi lại khó khăn, cách xa trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức tư pháp - hộ
tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã cho tổ chức đăng ký lưu động đối với việc
khai sinh, kết hôn, khai tử;
+ Thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật để nâng
cao năng lực và nghiệp vụ đăng ký hộ tịch; tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ do Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan tư pháp cấp trên tổ chức;
+ Chủ động báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng
cấp phối hợp với cơ quan, tổ chức kiểm tra, xác minh về thông tin hộ tịch; yêu
cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để xác minh khi đăng ký hộ
tịch; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp cung cấp thông tin hộ tịch cơ
bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vậy theo
Luật Hộ tịch mới, công chức tư pháp hộ tịch ngoài những nhiệm vụ thẩm quyền như
trước đây; thì cần phải có trình độ tin học và sử dụng thành thạo máy tính điện
tử phục vụ nhiệm vụ đăng ký hộ tịch vào cả sổ giấy và Cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử. Hơn nữa, công chức tư pháp hộ tịch phải thường xuyên tham gia các lớp
bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của việc quản lý hộ tịch theo hướng năng
động hiện đại như quy định tới đây./. |