Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó, tư tưởng nhất quán xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Sinh thời Người luôn đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam và khẳng định phải gắn đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh giải phóng phụ nữ, đồng thời tìm ra biện pháp thực hiện quyền của phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.
Nói về vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, Người cũng rút ra kết luận “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”… Trong tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Cùng với việc khẳng định vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Theo Bác Hồ, quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ là “Người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Trong các văn kiện thành lập Ðảng tháng 2 năm 1930, Bác Hồ đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Ðây là một trong bốn điểm Chánh cương đề ra. Ðiều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Ðảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Bác Hồ và Ðảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng, một nội dung trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc. Nét đặc biệt trong tư tưởng giải phóng phụ nữ là Hồ Chí Minh đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quyền của phụ nữ gắn liền quyền dân tộc độc lập, quyền dân tộc tự quyết. Ðấu tranh giành quyền độc lập dân tộc thì mới thực hiện được quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong cách mạng giải phóng dân tộc phải đem toàn bộ sức mạnh dân tộc (nội lực) để tranh đấu, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ cũng là đem sức mạnh của đoàn kết dân tộc, của khối đoàn kết phụ nữ mà giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo Người là cuộc cách mạng giải phóng con người, do đó nếu không giải phóng phụ nữ, một phần nửa xã hội thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích, chăm lo lợi ích cho con người, trong đó có phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Chính vì vậy, Ðảng, Nhà nước ta luôn chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng. Ðó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới. Trước lúc đi xa, trong di chúc để lại, Người biểu dương tinh thần chiến đấu hy sinh của phụ nữ và căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải quan tâm chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo”. Bác cũng yêu cầu các ngành, các cấp phải tạo mọi điều kiện để phụ nữ được học tập, công tác bình đẳng như nam giới.
Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn là luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hoá. Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc. Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ một thực trạng: cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên… Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho phụ nữ Việt Nam. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình.
Trong công cuộc xây dựng nước nhà, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, thiên nhiên và gia đình, bản thân. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, xây dựng gia đình văn hóa mới đều có và ngày càng nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới.
Tại trường Chính trị Trường Chinh, đội ngũ nữ cán bộ giảng viên, nhân viên của nhà trường luôn nhận thức rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò phụ nữ Việt Nam cũng như tình cảm, sự tin yêu của Bác dành cho phái nữ; trong những năm qua, các nữ CBGVNV luôn không ngừng cố gắng trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, nữ cán bộ, viên chức của nhà trường là 38 đồng chí trên tổng số 52 cán bộ, giảng viên, nhân viên (tỷ lệ 73,07%); 38/38 đồng chí (100%) là đảng viên, trong đó 04 đồng chí là đảng ủy viên; 32/38 đồng chí mang mã ngạch giảng viên. Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 26/38 đồng chí, đại học 12 đồng chí, trung cấp 01 đồng chí; Trình độ lý luận chính trị: 19 đồng chí có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, 01 cử nhân, 06 Trung cấp lý luận Chính trị. Số nữ cán bộ, viên chức giữ vị trí lãnh đạo: 01 đồng chí giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng; 03 đồng chí là trưởng khoa, phòng; 07 đồng chí là phó trưởng khoa, phòng; điều đó cho thấy Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đánh giá cao năng lực và tin tưởng giao những vị trí chủ chốt của nhà trường cho đội ngũ nữ cán bộ.
Với mỗi vị trí công việc được phân công, dù là lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên hay nhân viên phục vụ; dù số lượng lớp học rất nhiều, điều kiện công tác chủ yếu ở các huyện xa nhà, phần lớn còn trong tuổi sinh và nuôi con nhỏ nhưng các đồng chí luôn cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực học tập, lao động với tinh thần sáng tạo; chăm lo gia đình hạnh phúc các con ngoan, học giỏi.. Các phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”,“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Công đoàn cấp trên, công đoàn nhà trường phát động luôn được các tổ nữ công hưởng ứng và nhiều đồng chí đạt thành tích vượt trội nhất là trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học; trong quá trình thi đua, nhiều sáng kiến, đề tài khoa học đã được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao. Kết quả đánh giá hàng năm cho thấy 100% nữ CBGVNV nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường; năm 2020 có 01 chị vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Thời gian tới đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên nhân viên nhà trường cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được; không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Đồng thời biết phân bổ hợp lí thời gian làm việc và chăm lo gia đình vẹn toàn cả việc trường, việc nhà xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu với nữ công nhà trường./.
|