Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 và chỉ 15 năm sau đã tổ chức, tập hợp, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Từ 1945-1975, Đảng tiếp tục lãnh đạo thành công 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, chấm dứt sự thống trị của thực dân hơn 100 năm và thống nhất đất nước, thu non sông về một dải. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là việc khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang phát triển nền sản suất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước tại Đại hội VI (12 – 1986).
Vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và vượt qua chính mình đến Đại hội IX (4 – 2001) và cho đến nay Đảng ta đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam là phát triển KTTT định hướng XHCN, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT; xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII là kết tinh sự phát triển lý luận của Đảng đã nhấn mạnh: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu , nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”[1]; “Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữa vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[2]. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế được tự chủ sản xuất kinh doanh và chịu sự điều tiết của các quy luật thị trường, pháp luật của Nhà nước. Giữa các chủ thể vừa có sự hợp tác, vừa có cạnh tranh và được bình đẳng trước pháp luật.
Sự kết hợp hiệu quả giữa tính KTTT và tính định hướng XHCN cũng chính là đáp ứng xu hướng mới mang tầm vóc thời đại. Sự kết hợp này vừa là mục tiêu, vừa là động lực gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; tạo môi trường thuận lợi cho phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước…
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế to lớn được dư luận trong và ngoài nước ghi nhận như:
- Thứ nhất, Việt Nam đã mở cửa, trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO và nhiều tổ chức quốc tế khác, tham gia nhiều định chế thương mại tự do, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước mở rộng hội nhập vào tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội… Đến nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền KTTT…[3]
- Thứ hai, từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô GDP năm 2020 ước đạt 271,2 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD[4].
- Thứ ba, về tốc độ tăng trưởng, nếu như trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991 - 1995, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2005 đạt 7,34%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 7%/năm; giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn 2016 -2019 đạt 6,8%/năm[5]. Đây là những con số mơ ước của nhiều quốc gia. Đặc biệt, mặc dù GDP cả năm 2020 chỉ đạt 2,91% - mức tăng thấp nhất của các năm giai đoạn 2011 – 2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây lại là thành công lớn của Việt Nam và đứng vào nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 của khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 7,45% và của khu vực dịch vụ đạt 6,2%[6]. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị.
- Thứ tư, trải qua hơn 35 năm đổi mới, hệ thống pháp luật, chính sách và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng tương đối đồng bộ. Những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành luật pháp, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện (Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng rất nhanh (10 bậc) so với năm 2018, xếp 67/141 nền kinh tế. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ thứ 90/189 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019)[7]; các yếu tố thị trường và các loại thị trường tiếp tục hình thành, phát triển; nền kinh tế nhiều thành phần có bước phát triển mạnh. Hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần và bộ máy quản lý của Nhà nước được đổi mới một bước quan trọng.
- Thứ năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% so với 53% năm 1993... Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Dấu ấn và sự thành công trong sự lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng trước hết và xuyên suốt được bảo đảm bằng sự vững vàng trên nền tảng lý luận đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin,tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng khát vọng phát triển cho dân tộc, sự kế thừa có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới.
Thực tiễn phong phú suốt hơn 90 năm qua đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta nói chung và trong phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng./.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr128 - 129
[3]https://vi.wikipedia.org/wiki/Quan_h%E1%BB%87_ngo%E1%BA%A1i_giao_c%E1%BB%A7a_Vi%E1%BB%87t_Nam
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, t.9
[5]Mai Trung Dũng ,Trưởng Ban Tuyên giáo - Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Phú Thọ: “Một số thành tựu nổi bật sau 35 năm đổi mới đất nước”
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, tr8
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.II, tr29
|