Pháp luật là phương tiện chủ yếu để nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy, ban hành văn bản pháp luật (VBPL) là hoạt động quan trọng hàng đầu của Nhà nước. Hoạt động này được thực hiện bởi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước. Các cơ quan khác nhau có thẩm quyền ban hành văn bản khác nhau về nội dung, về tính chất, mức độ quan trọng của vấn đề cần quy định, về phạm vi không gian điều chỉnh… Từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, dù không phải lúc nào cũng có những quy định rõ ràng của pháp luật nhưng nói chung, tất cả các cấp chính quyền đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và trên thực tế, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã đều có ban hành VBQPPL.
Ở nước ta, chính quyền địa phương (CQĐP) gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND). Theo quy định của pháp luật, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CQĐP được ban hành VBQPPL với hình thức nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND. Điều 30 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định: “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Quy định này được phân tích là chỉ khi luật trực tiếp giao thì chính quyền cấp huyện, cấp xã mới được ban hành VBQPPL nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, sai sót trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã vốn tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thi hành, quy định trên không còn phù hợp với thực tiễn xã hội.
Thứ nhất, trong thực tiễn, một số nội dung luật không giao hoặc chưa giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, điều hành xã hội cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện, cấp xã, nhưng thực tế hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn cần thiết phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật này. Do đó, việc ban hành văn bản trong trường hợp này gặp nhiều vướng mắc. Bởi nếu ban hành VBQPPL thì trái thẩm quyền do chưa được luật giao, còn nếu ban hành văn bản áp dụng pháp luật thì không phù hợp. Chính vì vậy, thực tế có nhiều trường hợp cấp huyện, cấp xã khi cần phải ban hành văn bản để điều hành, quản lý xã hội mà nội dung luật không giao hoặc chưa giao nên phải ban hành văn bản áp dụng pháp luật nhưng trong đó có chứa quy phạm pháp luật. Những văn bản này theo quy định cần phải xử lý vì có dấu hiệu trái pháp luật do ban hành không đúng thẩm quyền, trái về hình thức văn bản.
Thứ hai, về nguyên lý chung thì VBQPPL là công cụ để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương. Vì vậy, Luật quy định HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được luật giao là chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.
Đối với cấp huyện, điều này về cơ bản cũng tương tự như đối với cấp tỉnh. Mặc dù, phạm vi địa giới của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá rộng nhưng có rất nhiều tỉnh, thành phố không có sự đồng nhất về địa lý, về dân cư, về các vấn đề tự nhiên, xã hội khác. Ví dụ, trong một tỉnh có thể có huyện hoàn toàn thuộc miền núi, có huyện hoàn toàn thuộc miền biển; có huyện công nghiệp hóa khá mạnh với các khu công nghiệp tập trung, có huyện thuần nông; có quận nội thành, có huyện nông thôn… Ngay cả với các đơn vị hành chính có những nét tương đồng trong một tỉnh, với sự chủ động, linh hoạt và trong giới hạn thẩm quyền được pháp luật quy định, chính quyền của các huyện, quận, thị xã khác nhau cũng có thể có những cách quản lý khác nhau.
Lý do dẫn đến sự cân nhắc về thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, cấp xã chủ yếu xuất phát từ thực tế là chất lượng của các văn bản do các cấp chính quyền này không cao và chủ yếu nhắc lại các quy định trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Đây là thực tế không thể phủ nhận, nhưng nếu cứ việc gì cấp dưới làm không tốt là phải chuyển lên cấp cao hơn thì lại quay trở lại tư duy ôm đồm mà trong nhiều năm gần đây, Đảng và Nhà nước đang hết sức cố gắng hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, điều cần quan tâm là phải tăng cường năng lực cho cấp dưới, tìm ra các giải pháp để cấp dưới làm tốt hơn công việc của mình chứ không phải là cấp trên làm thay. Mặt khác, chất lượng của văn bản không cao có thể vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tuyệt nhiên không thể vì thế mà kết luận rằng đó là do không có nhu cầu ban hành VBQPPL ở phạm vi cấp huyện, cấp xã.
Vì những lý do trên, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi loại văn bản có thể giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL, theo đó, ngoài trường hợp được ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được luật giao như quy định của Luật hiện hành, Luật năm 2020 đã bổ sung trường hợp HĐND, UBND cấp huyện cấp xã ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được “nghị quyết của Quốc hội giao”.
Thứ hai, mở rộng nội dung ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 về phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (việc thực hiện phân cấp phải được thể hiện bằng VBQPPL), Luật năm 2020 đã bổ sung quy định HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện, xã sẽ tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động trong việc đưa ra các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác ban hành VBQPPL nói chung và cấp chính quyền huyện, xã, các địa phương cần sớm kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Cần thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, nhằm loại bỏ kịp thời những văn bản, những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, để có hướng điều chỉnh kịp thời, đưa các quy định của luật gắn với thực tiễn cuộc sống./.
|