Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, đó là những danh hiệu Người được UNESCO tôn vinh trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Với trí tuệ mẫn tiệp và năng lực dẫn dắt kỳ diệu, Hồ Chí Minh đã không chỉ giải phóng cho dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ cho các dân tộc đấu tranh vì mục tiêu cao cả độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã đóng góp cho thực tiễn và kho tàng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, bổ sung vào lý luận Mác- Lênin bằng những “dữ liệu dân tộc học”, từ đó vận dụng sáng tạo CN. Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và đưa cách mạng nước ta tới thành công.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan Người đã tận mắt chứng kiến cảnh cùng cực của dân ta khi phải chịu ách áp bức của đế quốc và phong kiến. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng đồng bào mình khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Năm 1920, Người đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành chiến sĩ giải phóng dân tộc đồng thời là một chiến sĩ quốc tế vô sản. Từ đó, Nguyễn Aí Quốc đã tích cực vận động phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, nghiên cứu CN. Mác-Lênin và bắt đầu xây dựng tư tưởng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc. Đây chính là giai đoạn những tư tưởng cơ bản của cách mạng Việt Nam được hình thành và bổ sung cho lý luận cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Đó là, cách mạng ở các nước này cần được tiến hành chủ động, sáng tạo, xác định vị trí, vai trò của cách mạng thuộc địa và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Những tư tưởng này được thể hiện trong các tác phẩm và bài viết của Người từ năm 1921 đến 1930.
Trong quá trình hoạt động và tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng trên thế giới, đó là các cuộc cách mạng tư sản trên đất Mỹ, Anh, Pháp và cách mạng vô sản ở nước Nga. Người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các cuộc cách mạng này và có sự lựa chọn phù hợp cho cách mạng Việt Nam; đặc biệt là quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt bởi nó đã khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Người đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã tích cực chuẩn bị mọi lực lượng cho cách mạng, thúc đẩy cách mạng phát triển, tạo thời cơ và chớp thời cơ giành chính quyền làm nên thắng lợi cách mạng Tháng Tám năm 1945; lật đổ chế độ thực dân - phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Người trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”[1].
Đất nước độc lập chưa được bao lâu, nhân dân ta lại phải bước vào thời kỳ cách mạng khó khăn mới, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh. Với đường lối “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ kháng chiến”, “dựa vào sức mình là chính” và “tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc; nhân dân Việt Nam lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Hy vọng về một nước Việt Nam độc lập thống nhất tưởng như sắp thành hiện thực nhưng sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến mới ác liệt và đối mặt với kẻ thù xảo quyệt, tàn ác hơn, đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước dã tâm cướp nước ta và tuyên bố hênh hoang của đế quốc Mỹ đưa nước ta “trở về thời kỳ đồ đá”, một lẫn nữa Người đã ra lời kêu gọi toàn dân kháng chiến với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”[2]. Chúng ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, thống nhất non sông và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi mang tầm vóc thời đại. Đó là cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ (1930 - 1945), Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã gây tiếng vang lớn trên thế giới; đánh bại đế quốc sừng sỏ, đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới. Thắng lợi trong công cuộc đổi mới, năm 1986 Đảng ta đã bắt đầu công cuộc đổi mới và cho tới nay đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế - xã hội phát triển, quan hệ quốc tế mở rộng. Việt Nam hiện nay là thành viên của rất nhiều các tổ chức trên thế giới cũng như trong khu vực và có quan hệ ngoại giao với 183/193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc; có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước… chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tất cả những thắng lợi trên công lao đầu tiên thuộc về sự lãnh đạo của Đảng dưới sự dẫn dắt của ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trường Chính trị Trường Chinh là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và kiến thức về một số lĩnh vực khác. Đồng thời nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - bảo vệ CN. Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, thiết nghĩ chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
Đối với nhà trường, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên môn nói chung đặc biệt là giảng dạy môn học “Những vấn đề cơ bản CN.Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”
Nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay khi các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn để lật đổ chế độ ta, thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng, quyết định sự sống còn của chế độ. Cần tập trung tuyên truyền sâu rộng bản chất khoa học, cách mạng của CN. Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho nó thấm sâu, định hướng tư tưởng cho xu thế phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi các giảng viên của trường cần tự trau dồi, học hỏi làm giàu thêm kiến thức của mình để có đủ lý luận sắc bén bác bỏ luận những điệu sai trái đặc biệt gắn việc giảng dạy CN.Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời làm cho học viên thêm tin tưởng, thấy rõ trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên định với mục tiêu cách mạng, đường lối đổi mới của dân tộc do Đảng lãnh đạo dưới ánh sáng của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đối với những giảng viên trực tiếp giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết cần thấm nhuần những nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; hiểu cặn kẽ thân thế, sự nghiệp và hoạt động chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định với con đường mà Bác đã lựa chọn xứng đáng là những chiến sĩ đi đầu trong đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái của kẻ địch, bảo vệ Tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng của Đảng và những cống hiến to lớn của Người. Trên cơ sở truyền đạt đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những nội dung mới, phù hợp tình hình hiện nay, làm cơ sở cho việc vận dụng trong chỉ đạo thực tiễn, cần dẫn chứng và khẳng định những vấn đề lý luận mà Người đã chỉ ra từ thế kỷ trước cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Điều này giúp cho người học thấy tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong thời kỳ chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc mà những lý luận đó đến nay vẫn nguyên giá trị, đặc biệt đó là những tư tưởng vượt thời gian. Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh cần kết hợp với các phương pháp giảng dạy phù hợp, linh hoạt, bên cạnh phương pháp truyền thống là thuyết trình chúng ta có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại và phương pháp kể chuyện để đưa các câu chuyện về tư tưởng, tấm gương, cuộc đời của Bác đến gần hơn với người học, giảm bớt tính khô khan của môn lý luận, từ đó làm cho Tư tưởng Hồ Chí Minh được thấm sâu, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và mọi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ công lao to lớn cũng như tư tưởng của Người.
Kiên trì con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày nay đất nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bằng kinh nghiệm thực tiễn của 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy CN. Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, xuất phát từ thực tiễn đất nước, được nhân dân ủng hộ tin tưởng và làm theo, chúng ta tin tưởng rằng, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, thực hiện thành công ước nguyện của Người./.
[1] HCMTT, Nxb CTQG, H 2011, tập 4, tr.3.
[2] HCMTT, Nxb CTQG, H 2011, tập 15, tr.131.
|