Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Bản thân Người cũng là tấm gương rèn luyện và xây dựng nên một chuẩn mực phong cách. Học tập và làm theo phong cách làm việc của Người là vấn đề được đội ngũ cán bộ, giảng viên trường Chính Trị Trường Chinh hết sức quan tâm.
Phong cách công tác của cán bộ giảng viên là tổng hợp những phương pháp, cách thức, biện pháp mà người cán bộ giảng viên sử dụng để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào thực tiễn cuộc sống và thực tiễn giảng dạy đem lại hiệu quả. Phong cách công tác phần lớn là do tổng thể những phẩm chất của người cán bộ, giảng viên quyết định. Những phẩm chất và năng lực của mỗi người cán bộ, giảng viên sẽ là tiền đề quyết định việc hoàn thiện phong cách công tác. Còn tác phong công tác là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành những lối làm việc riêng, thói quen ứng xử của mỗi cán bộ, giảng viên. Ở đây, chúng ta nhắc đến phong cách, tác phong công tác thực chất chính là nhắc đến phong cách làm việc của mỗi người. Phong cách, tác phong công tác không tự nhiên mà có, nó được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện của người cán bộ, đảng viên. Do đó người đứng đầu, cán bộ đảng viên cần phải xây dựng cho mình phong cách, tác phong công tác chuẩn mực.
Đối với cán bộ, giảng viên trường chính trị, việc xây dựng phong cách tác phong công tác hết sức quan trọng và cần thiết bởi những lý do sau :
Thứ nhất, phong cách, tác phong công tác có vai trò quan trọng đối với cán bộ, giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Phong cách, tác phong công tác có ảnh hưởng lớn đến uy tín của cán bộ giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thông qua phong cách, tác phong công tác có thể thấy được trình độ tư duy, cảm xúc lẽ sống, phẩm chất đạo đức, năng lực của mỗi người. Nói cách khác, phong cách, tác phong chính là sự kết tinh của phẩm chất, năng lực và được bộc lộ trong hành vi, hoạt động của người cán bộ, giảng viên.
Phong cách, tác phong còn có vai trò quyết định kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nó là nhân tố quan trọng giúp cán bộ, giảng viên có thể đưa nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào bài giảng một cách sinh động, từ đó góp phần quan trọng định hướng tư tưởng kịp thời đúng đắn cho học viên, qua đó củng cố sự lãnh đạo của Đảng trên con đường xây dựng CNXH của đất nước. Vì thế, phong cách tác phong có ảnh hưởng lớn hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị. Thực tế cho thấy, đối với người cán bộ, giảng viên, khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có những lúc, những công việc chưa hoàn thành tốt không phải do thiếu kiến thức, sự nhiệt tình, trách nhiệm hay thiếu phương tiện, vật chất bảo đảm mà một nguyên nhân quan trọng là do phong cách, tác phong chưa phù hợp. Vì thế, việc xây dựng phong cách, tác phong chuẩn mực cho cán bộ, giảng viên là vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài.
Thứ hai, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực cho việc xây dựng phong cách, tác phong của cán bộ, giảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Đó là một chỉnh thể thống nhất tạo nên nhân cách mẫu mực của Người. Trong đó, nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Người với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Việc xây dựng phong cách, tác phong công tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ là vô cùng cần thiết đối với cán bộ, giảng viên bởi:
Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân - thiện - mỹ của cuộc sống.
Học tập và làm theo phong cách của Người đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, có lối sống giản dị trong sáng, có năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Người là tấm gương giúp cán bộ, giảng viên nhìn vào đó làm những điều đúng, chống lại thói hư, tật xấu. Do đó, phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ giảng viên mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Học tập và làm theo phong cách của Người không chỉ giúp củng cố mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới mà còn giúp củng cố mối quan hệ giữa học viên với cán bộ, giảng viên. Một người giảng viên ngoài giảng dạy tốt thì cũng cần phải có lối sống trong sạch, lành mạnh thì mới “đứng vững” được trên bục giảng. Do đó học tập và làm theo phong cách Bác Hồ sẽ giúp người cán bộ gảng viên khẳng định được uy tín của mình trước học viên và củng cố niềm tin của học viên vào giảng viên.
Thứ ba, phong cách, tác phong công tác của cán bộ giảng viên hiện nay còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Có thể nói những thành tựu đạt được trong gần 69 năm xây dựng và phát triển của Trường Chính trị Trường Chinh luôn gắn liền với vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên; trong đó phải nhắc tới những cố gắng của họ trong việc rèn luyện phong cách, tác phong làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần lớn cán bộ giảng viên nhà trường đã chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc, gương mẫu, chuẩn mực trong phát ngôn, ăn mặc, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất lối sống cho cán bộ, giảng viên theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được tiến hành thường xuyên. Nhờ đó đã hình thành lớp người sống trung thực, liêm khiết, giản dị khiêm tốn. 100% cán bộ, giảng viên nhà trường có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nghiêm túc việc nói và làm đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phần đông cán bộ, giảng viên có phong cách, tác phong làm việc một cách khoa học, hiệu quả dựa trên trình độ học vấn ngày càng cao và chuyên sâu, năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng tận tụy với công việc được giao. Luôn cố gắng nâng cao năng lực, tích lũy kiến thức để có thể trở thành người thầy của học viên cả về kinh nghiệm lẫn thực tiễn. Nhiều cán bộ giảng viên đã xây dựng cho mình một phong cách giảng dạy đặc trưng với nét mặt vui tươi, ngôn ngữ trong sáng, phong cách tự tin, chủ động, chững chạc, đàng hoàng, giàu nhiệt huyết. Nhờ đó đã “tạo lửa” cho mỗi bài giảng chính trị để mỗi bài giảng đi vào người học một cách thuyết phục và ấn tượng. Nhiều cán bộ đảng viên, đặc biệt người đứng đầu đã thực hành tốt nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới.
Mặc dù vậy, thực tế hiện nay vẫn còn một số cán bộ, giảng viên bộc lộ hạn chế trong phong cách, tác phong làm việc như: việc chấp hành giờ giấc làm việc ở một số cán bộ, giảng viên vẫn chưa nghiêm; còn có những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc… Một số cán bộ giảng viên làm việc nhiệt tình nhưng hiệu quả thấp do thiếu tính khoa học. Thực tế này phản ánh phong cách, tác phong làm việc của họ ở một góc độ nào đó chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, để khắc phục những hạn chế trong phong cách, tác phong làm việc, đồng thời góp phần xây dựng phong cách, tác phong chuẩn mực đáp ứng yêu cầu mới, mỗi cán bộ, giảng viên cần nhận thức đúng về sự cần thiết phải xây dựng phong cách, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Xuất phát từ những lý do trên, việc xây dựng phong cách, tác phong của cán bộ giảng viên trường chính trị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề mang tính chất lý luận mà còn là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc. Đó là việc làm tất yếu và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện số Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị với chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc"; nâng cao nhận thức và tư tưởng chính trị cho giảng viên và học viên. Tích cực nghiên cứu, học tập tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các tài liệu chính thống, sách, báo; tham gia các lớp bồi dưỡng hội thảo, toạ đàm về tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng ý thức tự giác trong việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, không chạy theo hình thức.
Thứ hai, thực hành đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh thông qua rèn luyện đạo đức cá nhân, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống; xây dựng phong cách làm việc khoa học, có kỷ luật và trách nhiệm; xây dựng khối đại đoàn kết trong nhà trường; thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, trung thực, chân thành.
Thứ ba, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp và học viên; thực hiện trách nhiệm nêu gương; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên trong nhà trường.
Học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Chính trị Trường Chinh cần có kế hoạch cụ thể, biến tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành kim chỉ nam cho hành động./.
|