banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Nghiên cứu trao đổi

KHƠI DẬY NGUỒN LỰC VĂN HÓA TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

TS. Vũ Ngọc Hoàng – Hiệu trưởng nhà trường - Ths. Trần Thị Huyền Nga – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Ngày nay, giá trị các nguồn lực văn hóa ngày càng chứng minh vai trò quan trọng, là nguồn sức mạnh nội lực sẵn có trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều đó, đồng thời để hướng tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Nam Định đã tập trung khai thác các nguồn lực văn hoá như: nguồn lực con người, nguồn lực các sản phẩm văn hoá, nguồn lực ngành công nghiệp văn hoá. Thời gian tới, tỉnh nam Định cần phát huy tốt hơn nữa giá trị các nguồn lực văn hóa trong các chương trình phát triển cả ở cấp vĩ mô và vi mô.

Tóm tắt: nguồn lực văn hoá; động lực phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế -xã hội tỉnh Nam Định

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội. Theo Người, văn hóa chính là biểu hiện của sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn,... của con người và của mỗi cộng đồng, dân tộc trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này cho thấy phạm vi rộng lớn, tầm ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa đã trở thành nguồn lực trực tiếp để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn lực văn hóa - vốn văn hóa không đứng ngoài kinh tế, chính trị, xã hội trong phát triển đất nước. Văn hóa có sứ mệnh làm nền tảng, làm mục tiêu, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực đặc biệt, khơi dậy, thúc đẩy các nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển bền vững đất nước. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật..., phải biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển. Có thể khái quát nguồn lực văn hóa bao gồm các yếu tố sau:

 Nguồn lực con người là tổng thể những tiềm năng, năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Nguồn lực sản phẩm văn hóa là nguồn lực được kết tinh bởi vốn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, được vật thể hóa thành các sản phẩm vật chất chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh... với các sản phẩm văn hóa sáng tạo của con người. Nguồn lực các ngành công nghiệp văn hóa, là những ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội.       

 Tỉnh Nam Định có vị trí chiến lược quan trọng ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với 1.668km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 2 triệu người, 226 xã, phường, thị trấn. Nam Định là tỉnh có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng. Nam Định cũng là vùng đất nghìn năm văn hiến, quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta; nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng đạo đức, giàu tính nhân văn được bảo tồn ở 2.160 thôn, xóm, tổ dân phố. Với những đặc điểm như vậy, Nam Định luôn xác định văn hóa là nguồn lực trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thứ nhất, khơi dậy nguồn lực con người

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người phải được xem là tài sản, phải được khơi dậy và phát huy, nhất là việc khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển trong mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Con người cần được chăm lo bằng những chính sách cụ thể để ngày càng hoàn thiện hơn về tri thức, kỹ năng, cảm xúc, thể chất. Do đó, trong thời gian qua Nam Định luôn xác định vai trò quan trọng của nguồn lực con người trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 01-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng việc “làm theo” bằng những việc làm cụ thể của từng cán bộ, đảng viên. Kết quả bước đầu đã mang lại những chuyển biến về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ năm 2020 - nay, bình quân hằng năm có 94,43% tổ chức cơ sở đảng và 89,96% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 60 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;  01 tập thể và 02 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 tập thể và 02 cá nhân nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[1].  Những điển hình đó đã có tác dụng nêu gương, có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần động viên cộng đồng hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp.

 Nam Định chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2023 đạt 23,06%[2]. Ngành giáo dục đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh. Với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, năm 2023 các đoàn học sinh THPT tham gia các cuộc thi quốc tế
đều đạt thành tích xuất sắc, 9/9 học sinh tham gia đoạt giải Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới, một học sinh đạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế AbuReikhan Beruniy lần thứ nhất, hai học sinh đạt giải trong cuộc thi “SEAMEO – STEMED Competition & EXPO 2023”[3]. Với những kết quả đó, giáo dục tỉnh Nam Định đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng con người mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Thứ hai, khơi dậy nguồn lực sản phẩm văn hóa, Trong buổi gặp gỡ nhà văn Đức, Irênê Phabe (người dịch Truyện Kiều), Hồ Chí Minh có nói: “Những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ những ngọn núi cổ điển đó[4]. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam là phải trân trọng, khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị của các sản phẩm văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Nhớ lời Bác căn dặn, những năm qua, Nam Định đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.       

Để góp phần khơi dậy nguồn lực sản phẩm văn hóa, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” và 22 văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này. Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Do đó, Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU ngày 14/12/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Toàn tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng huy động nguồn đóng góp của xã hội, để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao. Cho đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa, toàn tỉnh có trên 94% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) đạt danh hiệu văn hóa; 93% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa[5].

 Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được đặc biệt quan tâm, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người tỉnh Nam Định đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện nay, tỉnh Nam Định có 1.348 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 295 di tích cấp tỉnh và 964 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 01 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, 10 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 5 bảo vật quốc gia[6]. Việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, thu thập các di vật, cổ vật... đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, khơi dậy nguồn lực của ngành công nghiệp văn hóa

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là sau bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và nhu cầu của nhân dân, giữ gìn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tỉnh đã chỉ đạo, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định, quan tâm việc định hướng tư tưởng, động viên, khuyến khích các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27-7-2010, của Ban Bí thư, về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Thông báo Kết luận số 213-TB/TW, ngày 2-1-2009, của Ban Bí thư khóa X, về đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, các cơ sở kinh doanh sản phẩm văn hóa, các dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến năm 2023 tổng số lượt kiểm tra là 314 lượt[7]. Thông qua kiểm tra đã góp phần hạn chế những tác động xấu đến đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân, nhất là những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý các  ngành công nghiệp văn hoá.

Khơi dậy nguồn lực văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt 10,19%[8] là mức tăng cao nhất từ trước tới nay; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 82,17% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 17,83%[9]. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu nổi bật, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 13,3%); có 98 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên[10]. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 giảm còn 1,11%[11].

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sử dụng các nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nam Định còn một số hạn chế sau: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và Kết luận số 75-KL/TU ngày 14/12/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Công tác nghiên cứu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa hiệu quả và tương xứng với tiềm năng. Công tác tổ chức hoạt động của một số lễ hội chưa đảm bảo. Việc triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Đề án xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị ở một số nơi có dấu hiệu chững lại, chưa quan tâm đúng mức đến tổng kết rút kinh nghiệm, chưa có nhiều điển hình tiêu biểu, tạo phong trào sôi nổi tại cơ sở. Công tác quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

Trong thời gian tới để tiếp tục khơi dậy nguồn lực văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tnh Nam Định, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Cổ vũ tinh thần “Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo”, hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, tự trọng, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽPhát huy tối đa nhân tố con người, là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 07-NQ/TU và Kết luận số 75-KL/TU ngày 14/12/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách, tạo cơ sở pháp lý giải phóng mọi tiềm năng xã hội, chăm lo, phát triển con người. Đổi mới cơ chế và phương pháp giáo dục nhân cách, tư tưởng, lý luận chính trị, đạo đức cách mạng phù hợp với từng đối tượng, từng cấp học. Sớm xây dựng, ban hành các chính sách để tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cam chịu; có ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên mạnh mẽ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. 

 Thứ ba, tập trung xây dựng môi trường văn hóa số, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng: Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định” góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về di tích trên nền tảng số hóa 3D, công nghệ thực tế ảo, tích hợp chức năng thuyết minh ảo, dữ liệu video, hình ảnh 2D, 3D trên không gian 360; nâng cao công tác quản lý Nhà nước, xây dựng phần mềm quản lý thông tin các di tích lịch sử - văn hóa Nam Định; cung cấp thông tin về các điểm di tích trên địa bàn, kích thích du khách khám phá, trải nghiệm; thu hút đầu tư khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của các khu du lịch văn hóa tâm linh, phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” đã tạo điều kiện để Bảo tàng tỉnh được bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý hiện vật, nâng cấp hệ thống máy tính; trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo; hiện vật được số hóa bằng phần mềm chuyên dụng; không gian trong và ngoài bảo tàng được số hóa 17 theo công nghệ 3D… Ngoài cung cấp các thông tin về hoạt động bảo tàng, website: baotangtinhnamdinh.vn đang tích cực đẩy mạnh việc tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D.

 Khai thác có hiệu quả Cổng thông tin Khám phá du lịch Nam Định với các nội dung giới thiệu chính gồm giới thiệu chung về Nam Định; về địa điểm vui chơi, giải trí, các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa và các tour du lịch của tỉnh; về các địa điểm mua sắm, về sản vật, đặc sản của tỉnh; về các cơ sở lưu trú, các khách sạn; về các nhà hàng, địa điểm ăn sáng, ăn đêm và các đặc sản, đặc trưng về ẩm thực của tỉnh; về các tuyến xe công cộng và các công ty lữ hành. Cổng thông tin sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch của Nam Định, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch theo kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của quốc gia, góp phần từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa - du lịch.

Tiếp tục thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nam Định với mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người, mỗi chủ thể văn hóa, phối hợp và có giải pháp đồng bộ đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, có nội dung trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng con người. Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, các khuynh hướng sáng tác phản tiến bộ, phản nhân văn, tha hóa con người trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người lớn tuổi, người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội, vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ. Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đẩy mạnh đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu, hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030”. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.

 Thứ sáu, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch văn hóa. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà lưu niệm, nhà truyền thống, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường truyền thông trên không gian mạng về các sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng, hình ảnh, văn hóa, con người tỉnh Nam Định thân thiện, văn minh, cởi mở, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 trên địa bàn tỉnh gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, lực lượng vũ trang. Chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao mũi nhọn phù hợp với đặc điểm thể chất của con người Nam Định và điều kiện kinh tế của tỉnh.

 Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[12], Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định đã và đang nỗ lực quyết tâm khơi dậy nguồn lực văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra và phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.

 

[1] Báo cáo số 394-BC/TU, ngày 26/9/2023 của Tỉnh uỷ Nam Định, Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnhlần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

[2] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[3] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[4] Lữ Huy Nguyên, Bác Hồ với nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.420.

[5] Báo cáo số 394-BC/TU, ngày 26/9/2023 của Tỉnh uỷ Nam Định, Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnhlần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

[6] Báo cáo số 1076-BC/SVHTTDL ngày 30 tháng 09 năm 2023 của Sở Văn hoá- Thể thao – Du lịch về Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản

[7] Báo cáo số 352/BC-UBND ngày 7 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Nam Định về Báo cáo Kết quả 02 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

[8] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[9] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[10] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[11] Báo cáo số 834-BC/CTK, ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Cục Thống kê Nam Định, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

[12] Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

(Nguồn: )

Thông tin khác

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ NGƯỜI DÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
TỈNH NAM ĐỊNH NỖ LỰC NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TÍNH (PAPI) VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN
PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP CHỨC SẮC, TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỈNH NAM ĐỊNH THEO LỜI BÁC DẠY
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CUỘC THI " NAM ĐỊNH - 60 NĂM THEO DẤU CHÂN BÁC" - NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG NGHỊ QUYẾT 28- NQ/TW NGÀY 17/11/2022 HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ " ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI"
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở TỈNH NAM ĐỊNH
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI – GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN TẠI TỈNH NAM ĐỊNH HIỆN NAY
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN Ở NAM ĐỊNH
TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG THÔNG QUA BÀI HỌC "THU THẬP VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ Ở CƠ SỞ"
VẬN DUNG TƯ TƯỞNG MÁC- ĂNG GHEN TRONG TÁC PHẨM TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN VÀO XÂY DỰNG CHÍNH ĐẢNG Ở VIỆT NAM
QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN VỀ MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC
NHỮNG VẮN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA TỈNH NAM ĐỊNH HIỆN NAY TRƯỚC NHỮNG BIỂU HIỆN MỚI CỦA XUẤT KHẨU TƯ BẢN
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com