banerchinh-ngay14-3-2021
Nhiệt liệt chào mừng 69 năm Ngày thành lập trường chính trị trường chinh tỉnh nam định (09/6/1956-09/6/2025)!
Hỗ trợ trực tuyến
Tin tức - Hoạt động

CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, TẬP HỢP QUẦN CHÚNG CỦA MẶT TRẬN VIỆT MINH TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Việt Minh đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết các dân tộc, giai cấp, đảng phái, cá nhân yêu nước, hình thành lực lượng chính trị hùng hậu, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa cách mạng tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng sinh động về công tác vận động, tập hợp quần chúng của Đảng ta trong Mặt trận Việt Minh...

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (ảnh tư liệu)

       Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ II, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận định chính xác về tình hình cách mạng Việt Nam và xác định rõ: “Nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nhân và nông dân mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân”([1]). Chính vì vậy, tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở để thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Tháng 10-1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Điều lệ nêu rõ tôn chỉ, mục đích của tổ chức Việt Minh: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”([2]). Tôn chỉ đó đã quy định điều kiện gia nhập Việt Minh: “Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, thời được gia nhập Việt Minh”([3]). Hệ thống tổ chức của Mặt trận Việt Minh được hình thành từ Trung ương tới địa phương. Ở cấp xã có Ban chấp hành Việt Minh, cấp huyện và cấp tỉnh có Ban chấp ủy Việt Minh, toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh. Phương pháp tổ chức các hội quần chúng rất mềm dẻo, thích hợp từng lúc, từng nơi.

       Cuối năm 1941, trên tờ Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào Nông dân Cứu quốc hội. Thanh niên phải vào Thanh niên Cứu quốc hội. Phụ nữ vào Phụ nữ Cứu quốc hội. Trẻ con vào Nhi đồng Cứu quốc hội. Công nhân vào Công nhân Cứu quốc hội. Binh lính vào Binh lính Cứu quốc hội. Các bậc phú hào, văn sĩ vào Việt Nam Cứu quốc hội. Những hội ấy do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức. Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập"([4]). Cùng với việc công bố Tuyên ngôn, Điều lệ, Mặt trận Việt Minh còn xác định cụ thể chương trình cứu nước. Chương trình gồm 44 điểm bao gồm một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa và những chính sách cụ thể đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân. Chương trình này sau được đúc kết thành 10 chính sách lớn, chính sách cơ bản của Nhà nước ta. Với việc xác định mục đích, tôn chỉ đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của các giai cấp và tầng lớp nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã thu hút đông đảo các lực lượng xã hội tham gia dưới nhiều hình thức: Công nhân cứu quốc; Nông dân cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Thanh niên cứu quốc; Tự vệ cứu quốc… Đây là các tổ chức chính trị - xã hội có cơ cấu hoàn thiện và chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương thích hợp với mọi lứa tuổi và thành phần xã hội do đó đã vận động, tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia, góp phần quan trọng vào chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

         Trong thời kỳ này, Mặt trận Việt Minh đã có nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp, và trong phạm vi cả nước lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Ngày 4-6-1945, khu giải phóng Việt Bắc ra đời gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tân Trào được chọn làm thủ đô của khu giải phóng. Trong Khu giải phóng, các Ủy ban nhân dân cách mạng do nhân dân cử lên thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh nhằm xây dựng Khu giải phóng thành một căn cứ mạnh về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa để làm bàn đạp giải phóng toàn quốc. Ngày 13-8, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng công bố lệnh khởi nghĩa với lời hiệu triệu quốc dân đồng bào: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”([5]). Cũng trong thời gian này, các phong trào đấu tranh thích hợp đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cách mạng cũng nổ ra. Phong trào “Phá kho thóc” để giải quyết nạn đói, cứu dân, để nhân dân lao động nhận thấy rằng, muốn giành quyền sống thì nhất thiết phải đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh. Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh và tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, khi thời cơ Tổng khởi nghĩa tới, đáp lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14-8-1945, khởi nghĩa đầu tiên và thắng lợi tại Quảng Ngãi; ngày 19-8, khởi nghĩa và giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội; từ ngày 21-8 khởi nghĩa và giành chính quyền ở Nam Định; ngày 23-8, khởi nghĩa ở Huế, quân địch đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền nhà nước phong kiến ở Việt Nam.

       Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công đã chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Thắng lợi này là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực chuẩn bị lực lượng suốt 15 năm của Đảng và nghệ thuật chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Nhưng trên hết là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về phát huy sức mạnh đoàn kết của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một điển hình trong công tác vận động, tập hợp lực lượng quần chúng vào tổ chức Mặt trận Việt Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bài học sâu sắc và có ý nghĩa không chỉ tại thời điểm đó, mà còn có giá trị to lớn, lâu dài trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia Xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội… góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

[1] Đại cương lịch sử VN toàn tập. Nxb Giáo dục. H 2008, tr 814

[2] Văn kiện Đảng 1930 – 1945, t.III, Sđd, tr 216-217

[3] Văn kiện Đảng 1930 – 1945, t.III, Sđd, tr448;

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t3, tr246

[5] Văn kiện Đảng 1930 – 1945, t.III, Sđd, tr 410-411;

(Nguồn: Nguyễn Thị Dung - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng)

Thông tin khác

BẾ GIẢNG LỚP CAO CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, HỆ KHÔNG TẬP TRUNG K69.B12 (KHÓA HỌC 2018-2020)
ỦY BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG VIỆT NAM - HÌNH THỨC TIỀN CHÍNH PHỦ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
LỄ BẾ GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH HỆ KHÔNG TẬP TRUNG K62.B6 TẠI HUYỆN NGHĨA HƯNG
KHAI GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN K77 VÀ CHUYÊN VIÊN CHÍNH K9 TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH
KHAI GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH HỆ KHÔNG TẬP TRUNG K64.B5 (KHÓA 14 HUYỆN NGHĨA HƯNG)
BẾ GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN K74 - NĂM 2020
KHAI GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH K64.B4 (KHÓA XIII THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH), NIÊN KHÓA 2020-2021
HỘI THẢO KHOA HỌC: "MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẢNG BỘ HUYỆN LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GẮN VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH GIAI ĐOẠN HIỆN NAY"
HỘI THẢO KHOA HỌC: "MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN HÓA Ở CƠ SỞ"
KHAI GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HÀNH CHÍNH HỆ KHÔNG TẬP TRUNG - K64.B3 TẠI HUYỆN XUÂN TRƯỜNG
ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
CHƯƠNG TRÌNH KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ 1980 NĂM CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRƯỜNG CHINH TỈNH NAM ĐỊNH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2020-2025
BẾ GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH KHÓA VIII DÀNH CHO CÁN BỘ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, MTTQ VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH
KHAI GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH K64.B2 (KHÓA IX ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH), NIÊN KHÓA 2020-2022
Lịch giảng dạy
Hoạt động tiêu biểu
BithuTinhuy
hoithaocapbo2022
hoithaokllcs
giaoluubongda
camhoa
Trường Chính trị Trường Chinh
Địa chỉ: Số 39 Đường Vị Xuyên - TP.Nam Định
Điện thoại: 0228.3649222 - Fax: 0228.3642530 - Hotline 24/7: 
Website: www.truongchinhtritruongchinhnd.gov.vn - Email: chinhtrinamdinh@gmail.com